Vẫn là những nguyên liệu rất cơ bản như bún, cua, chả nhưng dưới bàn tay khéo léo của người Kon Tum đã tạo ra một món ăn đặc biệt chỉ có ở phố núi.
Trong vô vàn phiên bản bún, phở của ẩm thực nước ta thì bún đỏ Kon Tum vẫn chưa nhận được sự chú ý xứng tầm. Phải chăng vì đây là đặc sản chỉ có ở phố núi nên nhiều người vẫn chưa phát hiện ra sự quyến rũ mê người của tô bún đỏ nóng hổi với gạch cua, tóp mỡ, mắm tôm và rau cần trụng?
Xét về nguyên liệu thì bún đỏ khá tương đồng với món bún riêu, nhưng người Kon Tum rất biết cách biến tấu để tạo ra điểm nhấn cho đặc sản quê mình.
Thay vì dùng loại bún sợi nhỏ, đến đây bạn sẽ được thưởng thức những sợi bún to như đầu đũa. Hương vị thì không khác biệt quá nhiều nhưng không ít thực khách thật lòng chia sẻ, sợi bún to nhìn đã mắt hơn hẳn.
Nước dùng là phần quan trọng và đặc trưng nhất làm nên sự thành công của món ăn này. Ngọt thanh và đậm đà là một chuyện, nước dùng bắt buộc phải có màu đỏ au hấp dẫn, bởi thế người ta mới đặt tên là bún đỏ chứ không phải bún vàng hay bún xanh. Màu sắc bắt mắt này được tạo ra từ phần gạch cua xào với hạt điều.
Một tô bún đỏ thường được trang trí với miếng gạch cua to oạch, kế đến là vài quả trứng cút, rồi đến chả viên, đậu hũ và cuối cùng là rau cần đước. Loại rau này cũng góp phần không nhỏ cho hương vị độc đáo của món ăn này, khác hẳn với bún riêu ăn kèm rau muống và hoa chuối bào sợi.
Khi ăn, bạn nên thêm một ít ớt xay, mắm tôm để món này thêm bắt vị. Thời tiết Kon Tum mát mẻ, ngồi thưởng thức một tô bún đỏ nghi ngút khói, du khách khó lòng mà quên được cái trải nghiệm thú vị này.