Bánh trứng kiến là món đặc sản độc nhất vô nhị mỗi năm chỉ có một mùa, du khách khi đến mảnh đất Cao Bằng không nên bỏ lỡ.
Bánh trứng kiến là đặc sản khiến nhiều du khách tò mò của người Tày ở Cao Bằng, Bắc Kạn. Chẳng ai rõ loại bánh lạ tai, lạ mắt này có từ bao giờ. Người Tày truyền tai nhau qua nhiều thế hệ, nguồn gốc bánh trứng kiến xuất phát từ câu chuyện kén rể của một gia đình người Tày.
Từ đó cho đến tận ngày nay, bánh trứng kiến trở thành một món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ hội quan trọng của người Tày.
Chị Mai, một tiểu thương ở Hà Nội bán bánh trứng kiến, chia sẻ: “Hàng năm cứ tầm tháng cuối tháng 3 đến đầu tháng 5 dương lịch, mình đều bán thêm bánh trứng kiến. Mùa trứng kiến một năm chỉ có một lần nên muốn bán quanh năm cũng không được”.
Bánh trứng kiến nên nguyên liệu chính tất nhiên là trứng non, dùng làm phần nhân bánh. Tuy nhiên, phải là trứng của loại kiến đen to trong rừng, làm tổ trên các cành cây, vách núi cao.
Bởi trứng của kiến đen rừng thường ngon và sạch. Những quả trứng tròn mẩy, béo ngậy, to bằng hạt gạo, có màu trắng sữa. Loài kiến này sinh trưởng mạnh nhất vào cuối tháng 2 đến hết tháng 3 Âm lịch.
Trứng kiến sau khi lấy từ rừng về đem đi rửa sạch bụi bẩn, rồi phi thơm với hành khô, thêm một ít lá kiệu và củ kiệu xắt nhỏ cho tới khi chín. Phần nhân bánh có thể gia giảm thêm chút thịt heo băm nhuyễn, đậu phộng rang giã nhỏ để tăng hương vị.
Phần vỏ bánh được làm bằng gạo nếp nương đã được xay thành bột, nhào nặn cho tới khi có độ dẻo, mịn. Sau đó chia nhỏ, cán thành những miếng vuông bằng lòng bàn tay, dày nửa phân. Mỗi chiếc bánh được gói bằng chiếc lá non đã tước bỏ cuống và gân lá của cây vả.
Cuối cùng, đem bánh hấp cách thủy khoảng 45 đến 50 phút là có thể ăn được. Bánh bảo quản ngăn mát tủ lạnh, có thể sử dụng trong vài ngày, khi ăn chỉ cần mang ra hấp lại.
Bánh trứng kiến ăn nóng hay nguội đều ngon, tùy theo khẩu và và sở thích của mỗi người. Điều thú vị là lớp lá gói bánh cũng có thể ăn được. Nếu bánh được gói hai lớp lá, chỉ cần bóc bỏ lớp lá ngoài, bánh gói một lá cứ thế ăn trực tiếp luôn.
Phần vỏ bánh làm từ gạo nếp ăn dẻo dính, lá vả mềm thơm, phần nhân trứng kiến béo ngậy, bùi bùi, tạo nên hương vị lạ lẫm, mang đậm đặc trưng của người Cao Bằng. Lưu ý, bạn nào bị dị ứng nhộng, ong thì nên cân nhắc trước khi nếm thử loại bánh này.
Chị Phương (1982, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) từng du lịch tới Cao Bằng thưởng thức bánh trứng kiến cho biết: “Thấy món bánh lạ, mình tò mò ăn thử. Cảm giác khi ăn phần nhân trứng kiến cứ lạo xạo trong miệng”.
Món bánh dân tộc đặc trưng vùng Bắc Kạn, Cao Bằng được rao bán trên mạng xã hội có nhiều giá khác nhau, trung bình khoảng 20.000-30.000 đồng/chiếc.
Chị Mai cho biết: “Bánh trứng kiến thu hút người dân thành phố bởi hương vị lạ, cái tên cũng lạ. Vì tò mò nên nhiều người muốn mua ăn thử cho biết”.