Người Thái thích dùng thìa và dĩa để ăn, thay vì đũa và nền ẩm thực nước này có một phần ảnh hưởng từ Việt Nam.
Khám phá và thưởng thức ẩm thực tại Thái Lan là điều mọi du khách không thể bỏ qua. Nhưng điều gì khiến ẩm thực Thái Lan trở nên thú vị và được yêu thích đến vậy? Người Thái sử dụng các nguyên liệu chủ yếu nào để làm ra các món ăn? Dưới đây là giải đáp giúp bạn phần nào hiểu hơn về đồ ăn của quốc gia này.
Ẩm thực Thái Lan chịu ảnh hưởng từ đâu?
Ẩm thực Thái Lan truyền thống ảnh hưởng nhiều từ Trung Quốc. Những kỹ thuật nấu nướng như chiên, xào, chiên ngập dầu… đều được tiếp nhận từ nền ẩm thực Trung Quốc. Hoa kiều được cho là những người mang mì (kuay tiew) và chảo đáy tròn (wok) sang Thái Lan từ hàng trăm năm trước.
Ngoài ra, nơi đây còn bị ảnh hưởng bởi hương vị và các loại gia vị của người Ấn. Số lượng các món cà ri là bằng chứng về ảnh hưởng này. Dù vậy, cà ri của Thái khác với Ấn Độ nhờ hương vị độc đáo riêng, dùng các nguyên liệu địa phương như húng quế, riềng, sả…
Trải qua nhiều thế kỷ, quốc gia này cũng chịu ảnh hưởng bởi nhiều nền ẩm thực khác trong khu vực. Ẩm thực miền nam Thái Lan có những nét từ Indonesia và Malaysia. Phong cách nấu nướng của người miền Bắc và đông bắc Thái Lan giao thoa với ẩm thực Lào, Việt Nam, Campuchia và Myanmar.
Những nền ẩm thực khác như Nhật Bản, Hà Lan, Pháp, Bồ Đào Nha cũng góp phần để món ăn Thái Lan ngày nay có hương vị phức tạp nhưng hấp dẫn.
Hương vị chính
Các món ăn đều là sự pha trộn hài hòa giữa các vị chua, ngọt, mặn, đắng và cay. Trong mọi món ăn luôn có ít nhất hai hương vị pha quyện nếu không phải tất cả những vị kể trên. Trong đó, một hương vị sẽ chiếm ưu thế, gọi là “vị chính”.
Vị chua trong rất nhiều món ăn Thái chủ yếu là từ chanh và sả. Thêm vào đó là hương thơm chua ngọt từ lá chanh. Mang vị chua sắc hơn, rất nhiều món ăn dùng me.
Không phải muối, vị mặn trong ẩm thực Thái thường thuộc về xì dầu hoặc nước mắm. Xì dầu đem đến mùi đất nhè nhẹ, kết hợp hoàn hảo với rau củ hay thịt cá. Nước mắm đem đến vị ngọt umami để hoàn thiện hương vị cho món ăn.
Không chỉ đồ tráng miệng mới ngọt, vị ngọt của nhiều món ăn Thái phần lớn là từ đường cọ, đường dầu, đường nâu và xì dầu đen.
Vị cay từ ớt, riềng, gừng và tiêu, thường có trong súp, cà ri cũng như những món thịt hay hải sản xào.
Vị đắng của vài món ăn có thể do lá gia vị hoặc mướp đắng.
Một số món ăn khác còn mang vị kem béo ngậy, thường là từ nước cốt dừa.
Các món ăn chính
Đồ ăn Thái rất đa dạng. Tuy nhiên nó được phân thành một số các món chính như: mỳ, cà ri, gỏi, món tráng miệng và đồ ăn nhẹ.
Mỳ là một trong những món ăn đường phố phổ biến nhất nước. Có rất nhiều biến thể của món ăn này như Pad Thai (mỳ gạo xào), Khao soi (mỳ nước), Pad See Ew (hủ tiếu xào)…
Thái Lan có nhiều loại cà ri, nhưng năm loại chính là cà ri đỏ, cà ri xanh, cà ri vàng, massaman và panang.
Gỏi Thái thường được gọi là Yum, nghĩa là “trộn”. Có nhiều loại gỏi với nguyên liệu chính thường gồm hải sản, thịt, trái cây tươi và các loại mì. Sau đó, người ta sẽ trộn các thành phần kể trên với cà chua thái lát, đậu phộng, nước cốt chanh, ớt, đường, mắm, hành tây và rau thơm. Hương vị chủ yếu của nó là chua và cay.
Gỏi có thể dùng như món chính hoặc ăn kèm các món khác. Yum Mama (gỏi mì ăn liền), Yum Woon Sen (gỏi miến cay) và Som Tum (gỏi đu đủ) là ba món phổ biến nhất.
Trước đây, món tráng miệng truyền thống chỉ gồm đường, dừa và bột mì. Ngày nay, các món ăn được biến tấu phong phú với nhiều nguyên liệu hơn, nhờ sự giao thoa văn hóa giữa các nước. Các món tráng miệng của Thái Lan thường được biết đến nhiều nhất là xôi xoài, chuối nếp; bánh roti – một loại bánh kếp kiểu Thái; các loại chè như Gluay Buad Chee (chè chuối cốt dừa), thạch Thái, Khanom krok (bánh dừa, khá giống bánh khọt), Tub Tim Krob (chè hạt lựu), Bua loy (chè trôi Thái)…
Người Thái thích ăn vặt, nên bạn dễ dàng tìm thấy các món ăn vặt trên đường phố, ven chợ… Một số loại ăn nhẹ phổ biến nhất là nem rán, Pa Tong Go (bánh rán kiểu Thái – Trung Quốc), thịt gà nướng sa tế, salapao (bánh bao)…
Yếu tố vùng miền
Ẩm thực Thái Lan, về cơ bản sẽ chia theo bốn khu vực: Bắc, Trung, Nam và Isaan (đông bắc), mang đặc trưng khác nhau.
Ẩm thực miền Trung được đánh giá là độc đáo nhất. Hầu hết món ăn truyền thống ở vùng này đều có đầy đủ hương vị chay, cay, mặn, ngọt. Đây cũng là nơi người dân sử dụng nhiều cà ri, nước cốt dừa nhất khi nấu ăn. Một số món nổi tiếng đến từ đây là Hor Mok Pla (trứng cá cà ri kiểu Thái), Pad Kra Pao (món Thái xào húng quế), Tom Kha Gai (súp gà dừa kiểu Thái)…
Món ăn miền Nam mang đến sự kết hợp thú vị giữa ẩm thực Thái Lan chính thống và Ấn Độ. Phần lớn đồ ăn từ khu vực này đậm đà do chứa nhiều gia vị. Một trong những món ăn phổ biến nhất là cà ri đặc và rất cay. Các món ăn nhất định phải thử từ miền nam Thái Lan bao gồm Gaeng Som Pla hoặc Gaeng Leung (cà ri cá chua và cay), Kua Kling (cà ri khô kiểu Thái), và Tom Som Pla Krabok (canh cá chua ngọt)…
Ẩm thực miền Bắc có hương vị nhẹ nhàng hơn, mang chút ngọt hoặc chua. Khu vực phía Bắc đất nước có khí hậu hoàn hảo để trồng rau và rau thơm, tạo nên nét riêng cho ẩm thực. Ngoài ra, phía bắc Thái Lan giáp với Myanmar và Lào, nên phong cách ẩm thực bị ảnh hưởng ít nhiều. Món chính trong bữa ăn của người Thái ở miền bắc là Khao Niaow (cơm nếp), thay vì cơm trắng như hầu hết các vùng khác; Khao soi, Khanom Jeen Nam Ngiao (mì cay)…
Ẩm thực vùng Isaan phần lớn là đồ luộc, thay vì chiên, với đặc điểm chính là cay và khô. Các món ăn Isaan phổ biến nhất là Kai Yang (gà nướng), Larb Moo (salad thịt lợn băm), Som Tum và Tom Saep (súp chua cay).
Ẩm thực hoàng gia
Aharn Chao Wang hay ẩm thực hoàng gia chỉ những món ăn chỉ phục vụ hoàng tộc, có từ thời Ayutthaya. Về cơ bản, hương vị món ăn giống món Thái ở miền Trung, nhưng có những quy tắc và tiêu chuẩn cao. Ví dụ, một đĩa thức ăn phải đầy đặn, không có xương hay lẫn sạn, luôn dùng nguyên liệu tươi ngon nhất. Hương vị phải hài hòa, không quá cay, mặn hay chua, ngọt. Bên cạnh đó, cách bày biện cũng phải sang trọng.
Trước đây, chỉ giới thượng lưu mới ăn những món này. Ngày nay, ẩm thực hoàng gia phổ biến hơn, bạn có thể tìm thưởng thức trong rất nhiều nhà hàng. Một số món phổ biến hiện nay là Por Pua Thod (nem rán giòn), Panang Neua (cà ri bò khô), Yam Tua Pu (gỏi đậu rồng).
Thói quen ăn uống
Thật khó để phân biệt giữa bữa sáng, trưa và tối của người Thái, bởi mọi món ăn đều có thể thay thế cho nhau.
Bữa sáng thường bắt đầu từ 7 đến 8h. Người dân thường ăn các món như khao kai jeow (trứng tráng với cơm), khao tom (cơm, thịt, rau thơm và rứng).
Người dân ăn trưa từ 12h đến 13h. Một số món phổ biến là Pad Thai Goong (mỳ Thái xào tôm); Khao Pad (cơm rang kiểu Thái)…
18h-20h là thời gian ăn tối, mọi người thường có xu hướng quây quầy ở nhà dùng bữa, thay vì ra hàng như buổi sáng, trưa. Tuy nhiên, do đồ ăn bán sẵn ở khắp nơi, rất nhiều người chọn mua mang về thay vì nấu.
Phong cách ăn uống
Hầu hết người dân thích sử dụng dĩa, thìa lớn để ăn, thay vì đũa. Người dân không cần dùng đến dao vì phần lớn đồ ăn dễ lấy. Dù người Thái thường bày đồ ăn trên cơm trắng, họ lại ít khi trộn lẫn mọi thứ mà ăn lần lượt từng món.
Nguồn: https://vnexpress.net/tu-a-den-z-ve-am-thuc-thai-lan-4447028.html