Đến nay, trồng và chế biến miến dong ở Na Rì được coi là một nghề chính giúp bà con ổn định cuộc sống, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và giữ gìn nghề truyền thống quê hương. Với hương vị đặc trưng được sản xuất từ nguyên liệu sạch thuần khiết, miến dong Na Rì là một trong 10 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm. Đây cũng là món ăn không thể thiếu trên mâm cơm Tết của mỗi gia đình Việt.

Đến nay, trồng và chế biến miến dong ở Na Rì được coi là một nghề chính giúp bà con ổn định cuộc sống, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và giữ gìn nghề truyền thống quê hương. Với hương vị đặc trưng được sản xuất từ nguyên liệu sạch thuần khiết, miến dong Na Rì là một trong 10 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm. Đây cũng là món ăn không thể thiếu trên mâm cơm Tết của mỗi gia đình Việt.

Đóng gói sản phẩm miến dong
Đóng gói sản phẩm miến dong

Sản phẩm miến dong mang nhãn hiệu miến dong Côn Minh, một đặc sản truyền thống của huyện Na Rì đã có mặt trên thị trường bấy lâu, được người tiêu dùng lựa chọn, đặc biệt trong dịp giáp tết này. Miến dong Na Rì có hương vị đặc biệt là nhờ sử dụng nguyên liệu sạch, được chế biến theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Để làm ra loại miến thơm ngon này, củ dong riềng được nghiền nát để lấy tinh bột, hòa tinh bột vào nước và lọc nhiều lần để loại bỏ sạn và tạp chất, giúp cho miến có màu trong. Sau đó người ta quấy 1 phần bột dong, trộn với bột sống rồi đem đi tráng thành bánh. Bánh được đem đi phơi rồi đưa vào máy để cán thành sợi miến. Do làm từ nguyên liệu nguyên chất nên miến dong không có màu trắng trong như các loại miến khác mà sợi miến hơi đục. Bù lại, khi nấu sẽ cho sợi miến dai, giòn, có hương thơm đặc trưng của củ dong, không bị bở, không có sạn. Đến nay, đặc sản miến dong Na Rì đã được xếp vào danh sách 10 món ăn ngon nhất của Bắc Kạn.

Theo ông Trịnh Xuân Huấn, chủ cơ sở sản xuất miến dong Huấn Liên tại xã Côn Minh cho biết: Để chế biến ra sản phẩm miến ngon, ngay từ khâu lựa chọn củ dong khi đưa vào chế biến quy trình sản xuất đã phải đảm bảo an toàn vệ sinh. Người thợ phải có kinh nghiệm trong các công đoạn chế biến, việc chế biến miến chỉ làm được vào những ngày khô ráo, có nắng để việc cán bánh và phơi miến được đảm bảo. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất miến dong ở Côn Minh chỉ sử dụng lao động tại địa phương, vì hầu hết bà con đều am hiểu về làm miến. Hiện riêng tại xã Côn Minh có 12 cơ sở chế biến bột dong, 13 xưởng làm miến, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động theo mùa vụ. Bình quân mỗi cơ sở sản xuất miến cần tới trên dưới 10 lao động, đặc biệt vào dịp cuối năm khi chính vụ thu hoạch củ dong, mỗi ngày cơ sở thu mua từ 20-30 tấn củ, mỗi ngày sản xuất ra 6-8 tạ miến.

Vụ năm nay bà con rất phấn khởi vì dong riềng được giá, năng suất cũng cao hơn so với mọi năm. Việc thu mua củ dong với mức giá từ 2.000 – 2.500 đồng/kg tại chỗ, đảm bảo người dân thu hoạch đến đâu các cơ sở thu mua hết tới đó, việc thu mua và giá cả đã được thống nhất chung không có sự chênh lệch giá giữa các cơ sở. Năm 2016, huyện Na Rì đã thực hiện mô hình đưa cây dong riềng xuống trồng dưới ruộng trên đất 1 vụ tại xã Hảo Nghĩa. Qua đánh giá kết quả, năng suất đạt 17kg củ/m2, sản lượng ước đạt khoảng 700 tạ/ha. Như vậy với giá thu mua hiện nay, nếu bà con trồng 1ha dong riềng có thể thu về 200 triệu đồng.

Tuy vậy, dong riềng nói riêng và các sản phẩm có nguồn gốc từ cây nông nghiệp và các ngành nghề thủ công truyền thống trên địa bàn huyện Na Rì nói chung những năm qua không phải lúc nào cũng thuận lợi. Đáng chú ý, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại miến dong chất lượng kém nhưng lấy tên miến dong Na Rì để lừa người tiêu dùng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, chất lượng và lợi ích kinh tế của người trồng dong riềng và sản xuất miến dong.

Hiện nay, bình quân mỗi năm Na Rì trồng được khoảng 300ha cây dong riềng với sản lượng đạt trên 30.000 tấn củ. Huyện đã hỗ trợ người dân đầu tư cho sản xuất, công nghệ chế biến dong riềng, theo đó đến nay hầu các cơ sở chế biến tinh bột và sản xuất miến dong được xây dựng với dây chuyền hiện đại hơn, tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất miến dong trên địa bàn đã sử dụng nhãn hiệu tập thể miến dong Bắc Kạn, điều này cho thấy, các cơ sở sản xuất miến dong không chỉ chú trọng đến chất lượng sản phẩm mà còn tập trung xây dựng bao bì phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Hiện huyện đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng, chỉ đạo các địa phương tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các cơ sở và người dân trong việc tiêu thụ, chế biến sản phẩm dong riềng. Các ngân hàng hoạt động trên địa bàn tạo điều kiện để các hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với mức ưu đãi để mua sắm trang thiết bị, thu mua sản phẩm củ dong riềng.

Vụ dong riềng năm 2016 đến nay vẫn đang được các cơ sở thu mua, chế biến với sản lượng đã thu mua đạt gần 20.000 tấn củ. Dong riềng vượt năng suất, sản lượng và được giá, đây thực sự là động lực để người dân huyện Na Rì tiếp tục chuẩn bị mọi điều kiện về đất đai, giống cho vụ trồng dong tiếp theo. Bên cạnh đó, huyện đang đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã trong sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn, sản xuất các mặt hàng có giá trị cao theo hướng hàng hóa tạo sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, hỗ trợ người dân sản xuất, chế biến dong riềng theo quy mô lớn. Với sự định hướng phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao theo hướng hàng hoá và các chính sách hỗ trợ của tỉnh, tin tưởng rằng cây dong riềng và sản phẩm miến dong Na Rì sẽ có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng, đồng thời góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững của địa phương./.

Nguyễn Nghĩa

Nguồn: https://baobackan.vn/mien-dong-na-ri-huong-vi-que-huong-post23289.html

SHARE

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here