Món bún dân dã nhưng lạ miệng với phần nước dùng ngọt thanh ninh từ xương ống, hòa quyện vị chát nhẹ của hoa chuối tươi và dậy mùi thơm từ chả thịt cuộn lá xương sông.
Nhắc tới ẩm thực Thái Bình, người ta nhớ ngay đến những đặc sản như canh cá Quỳnh Côi, gỏi nhệch, nộm sứa Thái Thụy hay bánh cáy làng Nguyễn, bánh gai Đại Đồng,…
Ngoài ra, ở đây còn có một món ăn dân dã không kém phần nổi tiếng, được nhiều thực khách yêu thích bởi hương vị lạ miệng và có công dụng “giải ngấy” hiệu quả. Đó chính là bún bung.
Bên cạnh những đặc sản như canh cá Quỳnh Côi, gỏi nhệnh, nộm sứa,… bún bung cũng là món ăn dân dã làm nên “thương hiệu” riêng cho ẩm thực vùng quê lúa Thái Bình (Ảnh: Nhật Hà).
Ở miền Bắc, bún bung là món ăn khá phổ biến, có thể thưởng thức vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày và được gọi với nhiều cái tên khác nhau như bún mọc, bún móng giò, bún dọc mùng,…
Tuy nhiên, khác với nhiều nơi, món bún bung của quê lúa Thái Bình độc đáo, lạ miệng hơn bởi được nấu cùng hoa chuối, ăn kèm viên chả thịt được gói cẩn thận trong lá xương sông.
Món bún bung Thái Bình được chế biến từ một số nguyên liệu quen thuộc, giống với các món bún khác như xương ống, móng giò, thịt chân giò,… và đặc biệt không thể thiếu hoa chuối, chả lá xương sông (Ảnh: Nhật Hà).
Để làm món bún bung chuẩn vị, người Thái Bình sử dụng phần xương ống lợn, móng giò và thịt chân giò, đem rửa sạch, trần qua nước sôi rồi ninh nhỏ lửa. Xương ống hầm càng kĩ, nước dùng càng ngọt, còn phần móng giò và thịt khi chín mềm thì vớt ra, có thể ngâm nước đá để giữ độ giòn và trắng.
Hoa chuối được thái mỏng, thái đến đâu ngâm ngay vào chậu nước vo gạo hoặc nước pha cốt chanh để hoa chuối bớt chát và không bị thâm, đảm bảo hương vị và tính thẩm mỹ cho món ăn.
Thông thường, sau khi vớt xương ống khỏi nước dùng, người Thái Bình sẽ thả nhẹ nhàng từng viên chả xương sông vào nồi, đun tới khi chả chín mềm thì vớt ra. Tuy nhiên, để chả thơm và ngon hơn, ở một số nơi, người dân còn rán sơ qua (Ảnh: Nguyen Kim Oanh).
Phần chả thịt được chế biến từ thịt xay tương tự như món chả lá lốt, đem trộn cùng một số gia vị như hạt nêm, tiêu, hành khô băm nhỏ rồi đem bọc trong lá xương sông. Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ sao cho thịt được gói gọn gàng trong lá, không lộ ra ngoài. Có vậy, khi nấu, chả mới không bị vỡ.
Hoa chuối ngâm chừng 30-40 phút thì vớt ra rửa sạch lại lần nữa rồi để cho ráo nước. Phi chút hành thơm, xào hoa chuối cùng cà chua, nêm nếm gia vị cho đậm đà rồi đổ tất cả vào nồi nước dùng và ninh tiếp cho đến khi hoa chuối chín mềm.
Nước dùng chuẩn của bún bung Thái Bình phải có màu hơi đục do nhựa hoa chuối tiết ra chứ không trong như nước dùng của các món bún phở thông thường (Ảnh: Hoài Đỗ).
Khi khách gọi món, người bán bắt đầu lấy bún vào bát, xếp móng giò, thịt chân giò và chả xương sông lên trên rồi thêm chút rau thơm như mùi tàu, hành lá thái nhỏ. Cuối cùng là chan nước dùng kèm hoa chuối bung nóng hổi lên bát bún.
Món bún này thưởng thức kèm rau sống, có thể đa dạng nhiều loại như xà lách, rau muống chẻ, kinh giới, tía tô hay hoa chuối thái nhỏ,… được trộn lẫn với nhau.
Bún bung Thái Bình cũng được xem là món ăn “giải ngấy” hiệu quả, hài hòa giữa phần thịt đậm đà và các loại rau khác nhau như hoa chuối, xương sông, rau thơm,… (Ảnh: Nhật Hà).
Tuy được làm từ những nguyên liệu quen thuộc “cây nhà lá vườn” nhưng món bún bung Thái Bình đủ sức hấp dẫn mọi vị khách. Khi ăn, thực khách cảm nhận được vị ngọt thanh của nước dùng, hòa cùng vị chát nhẹ của hoa chuối và mùi thơm, vị béo ngậy từ chả lá xương sông.
Tới Thái Bình, du khách có thể tìm và thưởng thức bún bung ở nhiều quán ăn, khu chợ truyền thống với mức giá dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/bát.
Nguồn: Báo VietNamnet