Mấy cơn mưa đầu mùa liên tiếp làm mặt đất ẩm ướt hẳn. Không khí cũng vì vậy mà bớt oi nồng. Nhà ngoại có miếng vườn tạp có nhiều ụ mối cao. Chắc cũng vì vậy mà sau những cơn mưa đầu mùa ngoại thường dẫn tôi đi kiếm nấm mối.

 

Ảnh minh họa.

 

Nấm mối được cho là “đặc sản trời cho” của vùng đất này, chỉ xuất hiện khi những cơn mưa đầu mùa ùa về còn nếu để qua đi thì dù thèm nấm mối đến quắt quay cũng phải đành lòng đợi đến năm sau.

Nấm mối là loại nấm mọc tự nhiên ở những vùng ẩm ướt, một năm chỉ rộ khoảng 2 – 3 tháng đầu mùa mưa, mọc nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Xứ tôi nấm mối mọc khá nhiều. Không biết gì về tác dụng y học của nó, Ngoại chỉ nói gọn lỏn: “ăn món này tốt lắm”! Mãi sau lớn lên, tôi đọc sách mới biết nấm mối có giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng phòng ngừa ung thư, chống lão hóa rất hiệu quả. Bởi thế mới hay, ông bà ta dù không có những hiểu biết căn cờ gì về khoa học nhưng bằng sự kinh lịch qua năm tháng họ vẫn dạy cho con cháu biết bao điều hay.

Nấm mối không phải thứ dễ kiếm. Ngoại nói: “Có người hạp, nhẹ vía thì đi lát thấy liền, còn người không hạp, vía nặng có bước qua nó cũng không thấy!” Có lẽ chính vì hiếm hoi như vậy, nấm mối được bán với giá khá cao. Nhưng dù giá cao cỡ nào thì ngoại vẫn không bán. Ngoại biết đám cháu, đứa nào cũng ưa.

Nấm mối được mọc lên từ những ổ mối đất rất to, có hình dạng giống các hốc đất. Ngoại dắt tụi tui đi kiếm và giảng giải về cách mà nấm mối được sinh ra . Có hai loại mối, mối màu vàng và mối màu trắng. Loại mối này làm tổ nơi đất cao ráo, nơi có nhiều cây mục. Khi trời mưa dầm kéo dài nhiều ngày, loại mối này tiết ra một chất men xung quanh tổ, đến khi trời nắng thì nấm từ những nơi này sẽ mọc lên thành từng đám.

Nấm mối có thân màu trắng, mặt ngoài màu xám gần giống với màu đất. Nấm mối ngoài tự nhiên có kích thước nhỏ, thân hình tròn, gốc nhỏ hơi ngả vàng, bên trên phình to và có màu trắng đục. Khi tai nấm chưa nở, mủ nấm màu nâu sáng cụp xuống giống dạng búp. Mủ nấm khi nở xòe như cái ô và chuyển sang màu trắng tươi.

Tôi thắc mắc: sao ngoại đi lấy nấm mà hông đem theo dao? Ngoại xoa xoa đầu tôi rồi cười: “loại nấm này ngoại phải nhổ bằng tay, đối đế lắm ngoại sẽ dùng nhánh tre vót mỏng để đào chứ không dùng dao vì khi có “hơi của dao, cuốc” mối sẽ bỏ đi và nấm sẽ không mọc lại nữa!”. Để nấm mối tiếp tục mọc những năm sau vào đầu mùa mưa, ngoại dùng que tre vót mỏng để rê tìm hái nấm lớn trước, dưỡng lại nấm con và phải nhổ từ từ để lấy hết chân nếu dẫm chân lên nơi có nấm, hoặc đào xới làm sụt lún nơi gò mối thì năm sau nấm mối sẽ đi mất…

Biết nấm mối rất dễ tàn nên ngoại tranh thủ ra vườn vào buổi sáng sớm để nhổ khi nấm chưa nở dù. Vì dễ hư nên khi nhổ vào là ngoại nhanh chóng chế biến những món khoái khẩu của đám con cháu. Khi nhổ nấm vào nhà, ngoại chỉ cần cạo bỏ phần đất bên ngoài thân, ngâm trong nước muối loãng sau đó rữa lại với nước sạch là có thể chế biến tránh làm dập nấm sẽ mất chất ngọt và không ngon.

Nấm dễ chế biến nên dù là xào, kho, nấu canh, nấu cháo kể cả nướng nấm đều có hương vị rất ngon. Nấm mối dai, ngon ngọt hơn cả thịt gà lại rất bổ dưỡng có thể làm được vô số món như xào mỡ, kho, làm bánh xèo, nấu canh rau mà ngon nhất là với lá cách, một loại cây mọc ven bờ ao nhà ngoại. Trong khi chờ ngoại đổ món bánh xèo mà bọn tôi rất ưa, anh con cậu hai lấy lá cách gói các tai nấm búp tròn rồi nướng trên cái bếp than đỏ đã được thủ sẵn. Vị ngọt dịu tự nhiên của nấm nướng và mùi lá cách chan chát thơm thơm hòa quyện vào nhau thấm sâu trên đầu lưỡi ngon không thể tả.

Với vị ngọt tự nhiên nấm mối mang đến một hương vị khó quên cho những ai đã thưởng thức qua. Ngoại nấu cá món từ nấm mối, món nào cũng “bá cháy”! Thấy đám con cháu vui, khen ngon ngoại cười hiền, mấy sợi tóc bạc lơ phơ trong ngọn gió mát lành.

Tuổi thơ bọn tôi có khi chỉ vậy. Đơn sơ nhưng rất đầm sâu! Để rồi khi lớn lên nhìn những cơn mưa dai đầu mùa bất giác tôi lại nhớ ngoại. Lẫn thẫn đi ra khu vườn cũ với những đám nấm mối mới mọc, tôi tưởng ngoại vẫn còn đâu đây.

BÁCH CÁT

SHARE

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here