Những đặc sản Hà Giang mua về làm quà

0
92

Các loại thịt gác bếp, na đá bở, mật ong bạc hà hay hồng Quản Bạ… là những đặc sản nhiều người yêu thích.

Hồng giòn không hạt
Mùa hồng bắt đầu từ cuối tháng 9, kéo dài đến tháng 11. Hồng không hạt Quản Bạ nổi tiếng nhất vì độ giòn, ngọt, thơm. Hồng sau khi ngâm sẽ có những đặc điểm đặc trưng như vỏ bóng, chắc, cuống không bị bong ngay cả khi ngâm trong thời gian dài. Giá mỗi kg hồng từ 25.000 đồng. Du khách có thể dễ dàng mua loại đặc sản này tại các khu chợ của người dân địa phương, hoặc ven đường quốc lộ.

Cam sành
Sau mùa hồng là mùa cam, du khách có thể mua sản vật này khi ghé thăm từ tháng 12 đến tháng 2 hoặc tháng 3 năm sau. Cam Hà Giang vỏ dày, ruột vàng, vị chua chua ngọt ngọt, mọng nước, nhiều hạt và được trồng chủ yếu ở các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình. Nhờ có cùi dày, cam mua về có thể để 20 ngày trong nhiệt độ thường mà không sợ bị hỏng. Giá mỗi cân cam loại một chỉ từ 15.000 đồng

Na đá bở
Đây là loại na trồng trên núi đá, được nhiều người ưa chuộng vì vị ngọt thanh và không có cát dặm như na dai. Bên cạnh đó, na bở quả rất to, tròn, đều và rất thơm. Giá một cân na loại 3-4 quả/kg khoảng 100.000 đồng. Na bở có nhiều nhất vào tháng 8 và 9 hàng năm.

Ớt gió
Ghé thăm Hà Giang vào tháng 10 và 11, du khách có thể mang về một loại đặc sản khác là ớt gió Đồng Văn. Đây là loại ớt nhỏ, thơm cay nhưng không quá gắt. Giá ớt này có thể lên đến một triệu một kg nếu chuyển về thành phố, hoặc trung bình từ 500.000 đến 700.000 đồng. Nếu mua tại chợ Hà Giang, giá có thể được giá rẻ hơn, từ 300.000 đồng một kg. Ngoài ớt tươi, du khách có thể mua ớt khô được đóng túi bảo quản

Tinh bột nghệ vàng
Bột được chiết xuất từ những củ nghệ tươi, được trồng phần lớn tại huyện Bắc Mê. Các củ nghệ được rửa sạch trong lồng quay khoảng 15-20 phút để loại bỏ đất cát, nhựa củ rồi chuyển sang máy xay liên hoàn, vắt lấy nước, tách riêng bã. Nước nghệ sau khi để lắng khoảng 3-4 giờ thì gạn bỏ nước trong, lấy phần bột lắng lại để tiếp tục hòa với nước, rồi đợi lắng và lọc lại. Quá trình lọc này được lặp đi lặp lại khoảng 15 lần cho đến khi phần bột bên dưới đặc sệt, vàng ươm.

Các loại hạt – nấm
Hạt dổi, hạt hoa tam giác mạch, nấm hương rừng khô… cũng là một trong số những đặc sản được nhiều du khách mua về làm quà khi ghé thăm vùng đất biên cương này. Giá mỗi kg nấm hương từ khoảng 280.000 đồng.

Thịt ba chỉ gác bếp
Đây là món ăn đặc trưng của người Mông. Xuất phát từ điều kiện kinh tế cũng như giao thương khó khăn, một số đồng bào nơi đây thường mổ lợn vào dịp lễ Tết. Để bảo quản thực phẩm cho cả năm, đặc biệt là dùng cho những ngày có khách quý, người dân đã chế biến ra món đặc sản này. Nguyên liệu chính là lợn đen, giông lợn thích nghi với khí hậu lạnh, khắc nghiệt của vùng núi cao và được chăn thả tự nhiên. Giá mỗi cân từ 500.000 đồng và có thể mua quanh năm.

Thịt trâu, bò khô
Món ăn được chế biến từ thịt trâu, bò và một số loại gia vị như muối, tỏi, gừng, ớt… Thịt cần chọn những miếng tươi, chắc thớ và thường là thịt bắp, mông. Thịt được đem thái dọc thớ thành các miếng dày khoảng 2-3 cm, dài 30-40 cm rồi trộn cùng hỗn hợp gia vị trong khoảng 3 tiếng. Sau đó, thịt được xiên que tre để trên gác bếp để hun khói tự nhiên. Sau 15-20 ngày, thịt se dần, khô lại và có thể ăn được. Giá mỗi cân thịt loại này từ 700.000 đồng. Du khách có thể mua đặc sản này quanh năm, thay vì theo mùa như các loại trái cây.

Mật ong bạc hà
Đây là loại mật được khai thác từ ong hút mật hoa của cây bạc hà, mọc trên vùng cao nguyên đá. Mật có màu vàng chanh, vị ngọt thanh. Giá của loại mật ong này từ 500.000 một lít, loại đặc biệt có thể lên đến một triệu đồng.

Chè
Vùng núi Hà Giang có những cây chè cổ thụ hàng trăm năm và nổi tiếng nhất là chè Shan tuyết. Đây là loại chè có búp to, màu trắng xám, dưới lá phủ lông tơ trắng mịn như tuyết. Nơi có loại đặc sản này nhiều và nổi tiếng nhất là Lũng Phìn (Đồng Văn), Phìn Hồ (Hoàng Su Phì), Tham Vè, Bó Đướt (Vị Xuyên). Giá của mỗi kg chè khoảng 500.000 đồng.

Nguồn: Trang TTDT Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang

SHARE

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here