Bánh đập Quảng Nam là món ăn gây nhiều thương nhớ cho du khách. Món ăn này không phải là cao lương mỹ vị gì, nhưng lại được vô số thực khách yêu thích vì hương vị dân dã, độc đáo và thơm ngon của nó. Vậy bánh đập là gì và tại sao nó lại được coi là đặc sản Quảng Nam?
Bánh đập – Món ăn bình dị của Quảng Nam
Nếu bạn có thắc mắc tại sao tên của bánh đập lại “bạo lực” đến thế, đó là vì công đoạn làm món đặc sản Quảng Nam này là phải đập rồi mới ăn. Bánh đập thông thường chỉ gồm 2 phần. Bên ngoài là phần bánh tráng đã được nướng giòn thơm phức, còn bên trong là bánh ướt mềm từ bột gạo.
Đặc trưng của bánh là vì khi ăn, người ta phải dùng tay đập hay mảnh bánh tráng để dính vào bánh ướt. Cú đập nghe rốp một tiếng thật kêu, khiến phần bánh tráng giòn bị vỡ. Bên trong, phần bánh ướt mềm bên dưới có độ dính và mềm nên giữ phần bánh tráng không rơi ra ngoài.
Hương vị độc đáo của bánh đập – đặc sản Quảng Nam
Phần bánh tráng do được nướng nên có màu ngả vàng. Bánh ướt mềm, với màu trắng tinh. Khi nhai trong miệng, bánh đập giòn rau ráu, rất “bon miệng”. Điều tạo nên hương vị đặc trưng nhất của bánh đập có lẽ chính là nước chấm.
Những người lớn tuổi thường chấm bánh đập với mắm cái kèm ớt và tỏi. Trong chén mắm còn nguyên cá cơm, hoà cùng vị cay nồng của ớt và hương vị biển rất riêng. Người ta cũng có thể thưởng thức bánh đập với mắm xối được làm từ mắm cái và trái dứa được thái nhỏ. Nhưng phổ biến nhất vẫn là chấm bánh đập với mắm nêm, có thêm hành và đậu phộng bên trong.
Vị giòn giòn của bánh tráng hoà quyện với sự dẻo dai, mềm tan của bánh ướt. Kết hợp cùng vị bùi của đậu phộng, thơm của hành phi, mặn của mắm nêm tạo nên hương vị khác biệt, khó tìm thấy ở bất cứ đâu.
Sự kỳ công trong công đoạn làm bánh đập
Thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng món đặc sản Quảng Nam này không dễ để chế biến, đòi hỏi phải có sự công phu trong từng công đoạn. Trước tiên, người ta nướng bánh tráng gạo cho thật vàng, thật giòn. Công đoạn này phải thật khéo léo, được đảo liên tục để không bị cháy.
Sau đó, đến công đoạn làm phần bánh ướt. Để làm ra món bánh đập thơm ngon, người dân xứ Quảng phải lựa chọn loại gạo ngon, dẻo và thơm. Sau khi ngâm nửa ngày cho gạo nở đủ, thì đem đi nghiền thành bột nước. Sau đó, người ta đem đi ủ 3 tiếng. Bí quyết của người Quảng là khi tráng bánh bỏ thêm chút muối vào bột để bánh đập được phồng và xốp hơn.
Khi tráng, người Quảng Nam dùng gáo dừa để múc bột. Trước khi tráng bánh đập, phải khuấy nhẹ bột đều tay thì khi tráng bánh mới mềm dẻo và không bị hạt cát. Khi nồi tráng bánh đạt tới nhiệt độ thích hợp, người bán sẽ múc bột dàn đều ra vải của nồi hơi. Sau khoảng 2 phút bánh chín, dùng que tre đưa bánh lên ống tre để bánh không bị dính.
Những chồng bánh ướt sau khi ra lò được xếp chồng, vừa khít lên nhau. Chỉ cần lật nhẹ là có thể gỡ ra. Lúc bánh đã hơi nguội, người ta cho bánh lên bánh tráng nướng và cho thêm hành lên trên. Lúc này, bạn đã có thể thưởng thức món ăn nóng hổi, giòn mềm này.
Thưởng thức bánh đập cùng món gì?
Món bánh đập đặc biệt vì có khá nhiều cách thưởng thức khác nhau. Bạn có thể ăn kèm bánh đập với các loại mắm khác nhau như Đặc Sản Quê Tui đã chia sẻ ở trên.
Bạn cũng có thể thưởng thức bánh đập ăn kèm với thịt nướng, thịt luộc hoặc lòng lợn. Hương vị mềm dẻo, giòn tan của bánh đập khi kết hợp với thịt nướng cũng tạo nên vị riêng, khiến người ta thích thú. Khi thưởng thức đặc sản Quảng Nam vào buổi sáng, có thể uống thêm một ly sữa đậu nành, khiến hương vị tuyệt vời hơn.
Tới Quảng Nam thưởng thức bánh đập ở đâu?
Vùng đất Quảng Nam từ trẻ già, trai gái, cao sang, dân dã đều thích ăn món bánh đập. Bẻ bánh đập và ăn giống như nghi thức khai tiệc, phong tục lâu đời của nơi đây. Nếu có dịp ghé thăm Quảng Nam, hãy thử món bánh đập do chính người dân bản địa làm ra.
Bạn có thể ghé thăm đường Thanh Hoá, có bà cụ bán bánh đập nóng hổi cho các thực khách. Trong quán còn có cả một sân phơi toàn bánh tráng, trông cực kì thích mắt.
Ngoài ra, bạn có thể mua bánh đập trên những thúng gánh hàng rong của các cô, các mẹ ngoài phố. Nếu ai đó đi Quảng Nam cũng có thể ghé hẻm 144 Hoàng Diệu hay quán Bà Già ở Cẩm Nam, Hội An để thưởng thức thử.
Mỗi suất bánh đập khá rẻ, chỉ dao động trong khoảng 10.000 – 15.000 đồng. Nhân lúc đợi thưởng thức những bánh đập nóng hổi, thơm phức, thực khách có thể dõi theo quá trình làm bánh khéo léo của người bán ngay trong sân nhà.
Dường như người Quảng rất biết cách níu chân du khách bằng nền ẩm thực phong phú của mình. Bánh đập chắc chắn là món bánh phải thử khi tới miền đất miền Trung đầy nắng và gió này, để thưởng thức thêm đặc sản Quảng Nam nức tiếng tứ phương.
Bánh đập Quảng Nam – Hương vị khó quên của ẩm thực miền Trung