Đậm đà hương vị cọ quê hương Phú Thọ

0
87

Cây cọ từ lâu đã là một loại cây gần gũi với người dân đất Việt. Không chỉ đi vào thơ văn, bài hát, bản nhạc mà từ cây cọ còn có thể chế biến thành những món ăn dân dã, đậm vị quê hương.

Mùa quả cọ chín bắt đầu từ giữa tháng 9 âm lịch kéo dài đến tháng giêng năm sau.

Trong đó, phổ biến nhất là món cọ ỏm. Mùa quả cọ chín bắt đầu từ giữa tháng 9 âm lịch kéo dài đến tháng giêng năm sau. Vì vậy, thời điểm này nhiều hộ dân có đồi cọ đã bắt đầu thu hoạch để bán.

Những quả cọ ngon nhất là quả được lấy từ cây cọ chưa bao giờ bị chặt lá. Vì quả mọc từ những cây đã bị chặt lá thường còi cọc, hạt to, vị chát, mất mùi vị đặc trưng của cọ. Khi mua cọ, nên chọn quả vỏ bóng, chín già, cọ càng già thì vị càng ngậy và bùi.

Cách ỏm cọ cũng khá giống cách ỏm trám đen, sau khi rửa sạch cọ không phải đổ vào nồi đun, mà chờ nước sôi liu riu rồi để nguội tầm 800C thì mới cho cọ vào đảo nhẹ cho quả chìm đều trong nước. Khi dầu cọ từ quả thôi ra, nổi váng lên mặt nước, bám vào thành nồi nghĩa là quả cọ đã chín.

Bình cọ xào thịt – món ăn dân dã nhưng đậm đà hương vị quê hương.

Cọ ngon khi ỏm xong có màu nâm sậm, nhiều váng nổi như váng mỡ bám quanh nồi, lấy tay bóp vào thấy quả mềm, màu vàng ươm. Khi ăn chấm với chút nước mắm hoặc muối vừng, cọ càng dậy lên vị thơm bùi. Ai mới ăn lần đầu sẽ thấy hơi ngái nhưng ăn tiếp sẽ cảm nhận rõ vị thơm ngậy, béo bùi. Người ăn cọ sành là người biết chọn cho mình những quả cọ tròn, cùi dầy có màu vàng như mật ong thì đó chính là loài cọ nếp quý.

Cọ ỏm thường được chế biến để ăn chơi còn để ăn cơm thì có các món như cọ muối dưa, xôi cọ hay bình cọ (nõn trong thân cây cọ) làm nộm, xào, om. Trong đó, món dưa cọ khá dễ làm. Quả cọ sau khi hái xuống được sơ chế, chà sát cho sạch vỏ, rửa lại với nước và để ráo. Sau đó, bổ thành hai phần, cho các gia vị như: Muối, đường,… vào trộn đều, để khoảng 3-4 tiếng cho cọ mềm là ăn được. Dưa cọ có vị mặn của muối, vị ngậy béo bùi của cọ, thường ăn cùng cơm trắng rất ngon.

Người dân chặt tỉa cây và lấy bình cọ.

Không chỉ chế biến các món ăn với quả cọ, từ thân cây cọ, người dân dày công chặt về, bóc lấy lõi bên trong thường được gọi là bình cọ hoặc nõn cọ, thái mỏng và chế biến thành các món ăn như: Nộm bình cọ với rau thơm, gia vị, lạc; bình cọ xào với thịt ba chỉ, hành lá, cà chua hoặc các món om với xương hoặc thịt. Để làm được món ăn này vất vả nhất là công đoạn chặt cây và đẽo lấy bình. Bù lại các món ăn từ bình cọ giòn, rất ngọt và bùi, có nhiều công dụng cho sức khỏe, được đánh giá là món ăn mát và bổ, ăn một lần nhớ mãi. Tuy nhiên, do phải chặt cả cây mới lấy được bình cọ nên những món ăn này thường không phổ biến, chỉ khi gia đình có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cắt tỉa bớt cây cho thoáng vườn hoặc cọ quá cao không thể khai thác thì người dân mới chặt cọ lấy bình.

Nộm bình cọ.

Cùng với màu xanh hút mắt của những tán lá cọ vươn mình trong nắng, những món ăn từ cọ như kéo du khách về với Đất Tổ. Và chỉ với những món ăn dân dã nhưng đậm vị quê hương mà dù ở gần hay xa, ai đã một lần thưởng thức thì sẽ nhớ mãi không quên…

Vĩnh Hà –  Báo Phú Thọ

SHARE

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here