Bị cạn kiệt do việc khai thác, đánh bắt quá mức, đặc sản cá bống sông Trà ở Quảng Ngãi đang được nghiên cứu nuôi nhân tạo, bước đầu đem lại hiệu quả khả quan.
Ông Lê Văn Diệu, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung, cho biết đơn vị này đang cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi đánh giá, nghiệm thu bước đầu mô hình “Nghiên cứu sinh sản nhân tạo và nuôi thử nghiệm thương phẩm cá bống cát sông Trà”.
Theo ông Diệu, năm 2019, mô hình nuôi thử nghiệm thương phẩm cá bống sông Trà được tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt với kinh phí khoảng 1,6 tỉ đồng do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, giao Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung triển khai.
Ông Nguyễn Hữu Còn, ngụ xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi – hộ dân đầu tiên đăng ký nuôi mô hình cá bống sông Trà, cho biết khoảng tháng 10-2021, ông đã thả nuôi 12.000 con cá bống cát với kích cỡ 4-6 cm/con vào hồ nuôi gia đình ở khu vực cửa sông Trà Khúc – nơi có độ mặn dao động từ 3%-5%, môi trường rất thích hợp để thả nuôi cá bống cát sông Trà.
Đến giữa tháng 1 vừa qua, sau 3 tháng nuôi, ông Còn đã thu hoạch lứa cá bống cát đầu tiên với số lượng còn lại 9.600, đạt tỉ lệ sống gần 80%. Thời điểm thu hoạch đạt hơn 100 kg cá bống; nhiều con cá có khối lượng cơ thể lên tới 11 g/con.
Thu hoạch cá bống cát sông Trà sau 3 tháng nuôi nhân tạo
Theo ông Lê Văn Diệu, để sản xuất giống cá bống cát nhân tạo đạt yêu cầu đòi hỏi phải xây dựng được đàn cá bố, mẹ ổn định, có chất lượng. Vì vậy, trung tâm chủ yếu thu, tuyển chọn cá bố, mẹ từ các mẻ khai thác của ngư dân; bảo đảm khối lượng cơ thể từ 10-13 g/con, chiều dài từ 10-20 cm/con. Cá phải hội đủ các yếu tố như khỏe, các bộ phận cơ thể còn nguyên vẹn, màu sắc tươi sáng tự nhiên.