Đây là cái Tết quan trọng nhất, to nhất trong năm đối với cộng đồng người Mường Hòa Bình.
Nét đẹp của phong tục đón năm mới
Theo quan niệm truyền thống, người Mường ở bốn vùng Mường lớn tại Hòa Bình gồm: Mường Bi (Tân Lạc), Mường Vang (Lạc Sơn), Mường Thàng (Cao Phong), Mường Động (Kim Bôi) bắt đầu đón Tết Nguyên đán (cách gọi của người Mường là Tết năm mới) từ ngày 27 tháng Chạp của năm cũ đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng của năm mới.
Từ sáng sớm ngày 27 tháng Chạp, người Mường (Hòa Bình) đã chặt nứa hay cây dang loại bánh tẻ về để tước, chẻ lạt gói bánh chưng, làm thanh cặp nướng thịt… Gia đình nào cũng phải có cây nêu và được trồng ngay cạnh ngõ ra vào, trong sân hoặc phía trước ngôi nhà sàn.
Vừa chẻ lạt buộc bánh chưng, bà Bùi Thị Đằm, xã Hợp Phong, huyện Cao Phong kể lại: “Trồng cây nêu là tục lệ có từ ngàn xưa trong những ngày Tết của người Mường. Các cụ kể rằng, vua Hoàng Bà đi đánh quỷ, lũ quỷ thua to bỏ chạy. Theo chỉ dạy của vua Hoàng Bà các nhà đều cắm một cây Nêu để báo tin thắng trận và nhận đất đai cho dân Mường. Sau này, trồng cây Nêu có ý nghĩa như sự bố cáo với đất, trời về sự tồn tại của gia đình mình và cũng là trấn tà không cho lũ quỷ thâm nhập vào nhà”.
Ngày 28 tháng Chạp, người Mường (Hòa Bình) bắt đầu gói bánh chưng và bánh ống. Sang ngày 29 tháng Chạp theo lịch Mường, đồng bào có bữa cơm chín lụn, tương đương bữa cơm tất niên, ăn vào buổi tối, bữa cơm đoàn tụ gia đình trong năm như người Kinh. Đây là bữa cơm quan trọng, thiêng liêng tiễn năm cũ chuẩn bị đón chào năm mới. Bao nhiêu thức ngon, vật lạ được người Mường chuẩn bị suốt một năm đều được chế biến cho bữa cơm này.
Người Mường đón Giao thừa trong tiếng chiêng, trống hân hoan, từ người già đến trẻ nhỏ sẽ ra mó nước lấy nước về đặt trên bàn thờ tổ tiên. Mỗi vùng Mường lại có cách gọi khác nhau cho hoạt động này. Vùng Mường Động Kim Bôi gọi là nước Tiên, vùng Mường Vang Lạc Sơn gọi là nước Thặng Thiên… Vùng Mường Bi Tân Lạc có tục gội đầu, thậm chí có người còn tắm trong đêm Giao thừa như một cách gột rửa sạch sẽ để sang năm mới mọi điều tốt lành, đẹp đẽ và may mắn hơn.
Một thủ tục quan trọng trong đêm giao thừa của người Mường là lễ cúng ngoài trời. Mâm lễ cúng gồm một con cá diếc và một cái bánh chay. Sáng ra, lễ vật được mang cho con trâu ăn trước, vì họ quan niệm “con trâu là đầu cơ nghiệp”, cho trâu ăn trước để con trâu khỏe mạnh đi làm.
Trên bàn thờ trong những ngày Tết năm mới, người Mường Hòa Bình bày mâm ngũ quả, hai cây mía được dựng hai bên mang ý nghĩa để ông bà tổ tiên chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới. Mâm lễ cúng gồm gà luộc, bánh chưng, bánh ống, rượu, cơm nếp, thịt luộc, một bát nước lã, trầu cau, mắm muối… bày biện trên mảnh lá chuối được cắt theo hình tròn như mâm cỗ lá người Mường hay làm trong các ngày hội, lễ của gia đình.
Ngày Tết của người Mường từ xưa đến nay không bao giờ thiếu bánh chưng và bánh ống, biểu hiện trời tròn, đất vuông; cũng là để tưởng nhớ đến ông vua của người Mường – Vua Lang. Gia đình thờ cúng bao nhiêu người sẽ làm bấy nhiêu bánh chưng. Trong ba ngày Tết, người Mường chỉ Tết cha, Tết mẹ và Tết thầy, cúng những người quan trọng nhất trong quan niệm của cộng đồng nơi đây.
Nhà nghiên cứu về văn hóa Mường Hòa Bình, Bùi Huy Vọng cho biết: “Tục cúng thờ tổ tiên của người Mường là thờ đích danh chứ không thờ chung như các dân tộc khác. Như mâm thờ ông, bà nội đã khuất, người Mường sắp mâm riêng, đặt lên đó 2 bát cơm, 2 bánh chưng, bánh ống, 2 đôi đũa cùng thực phẩm. … Việc thờ này tùy theo từng gia đình, nhưng ít nhất họ thờ tới 3 đời. Sau 10 tuần hương, con cháu mới được xin hạ lễ”.
Trong ngày Tết, cộng đồng các vùng Mường Hòa Bình còn lưu giữ được một phong tục đặc sắc riêng biệt là các Phường bùa đi xắc bùa “phát rác”, gần giống như tục xông nhà chúc Tết của người Kinh.
Phường bùa là đội hình diễn tấu chiêng có từ 6 – 12 người (trước đây còn có những cô bé, cậu bé tham gia hát xắc bùa). Người đứng đầu Phường bùa là ông trùm phường. Đoàn đi đến đâu tấu chiêng, xắc bùa đến đó, khi vào sân nhà ai, ông trùm phường hát những bài hát chúc Tết gia đình, đó gọi là các bài “phát rác”, mở nước, chúc cho gia đình chủ nhà mạnh khỏe, sang năm mới làm ăn phát đạt, mát lành như nước… Sau đó, gia chủ mời phường bùa uống chén rượu xuân.
Đi chơi ngày Tết năm mới, người Mường mặc những bộ quần áo đẹp nhất. Phụ nữ mặc váy đen, áo phắn các màu khác nhau nhưng chủ đạo là màu trắng, cạp váy to dệt hoa văn trang nhã, đầu đội khăn màu trắng, lấp ló chiếc yếm dệt hoa văn bên trong. Những cô bé, cậu bé trong trang phục dân tộc đùa vui chạy theo đoàn Phường bùa đi chúc Tết. Người Mường đi chơi, vui Tết năm mới cùng nhau trong tiếng chiêng rộn ràng, đón chào năm mới an lành và thịnh vượng.
Đến ngày kết thúc năm mới (mùng 7 tháng Giêng), 4 vùng Mường đồng loạt tổ chức Lễ hội Khai hạ còn gọi là Lễ hội “mở mắt cồng, mắt lệnh”, Lễ hội “xuống đồng”… Đây là ngày lễ lớn nhất của người Mường Hòa Bình là ngày đầu tiên của năm mới họ bắt đầu công việc đồng áng.
Bảo tồn và gìn giữ những văn hóa đặc trưng
Phong tục mừng Tết năm mới của người Mường hiện đã có nhiều thay đổi, nhiều hộ gia đình ở 4 vùng Mường Hòa Bình bắt đầu đón Tết ông Công ông Táo, mua cá về nhà để thả trong ngày 23 tháng Chạp. Các nghi lễ thờ cúng tổ tiên trong năm mới đơn giản và mai một đi nhiều. Những trò chơi dân gian đặc trưng vẫn được tổ chức trong các ngày Tết và có thêm các trò chơi hiện đại của các vùng miền khác nhằm phục vụ nhu cầu thăm quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước.
Theo dòng chảy của thời gian, cùng với nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, bản sắc dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” đang dần bị mai một; việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường là yêu cầu cấp bách. Tỉnh Hòa Bình đã và đang nỗ lực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể của người Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” trên địa bàn.
Ngày 24/11/2023, tỉnh Hòa Bình đã ban hành Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023-2030 để tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa và truyền thống tốt đẹp của người Mường; góp phần quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người Hòa Bình, xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, tục đón Tết năm mới của người Mường là phong tục đẹp, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa từ ngàn xưa, được người Mường Hòa Bình lưu giữ và truyền lại qua các thế hệ. Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các công trình, phương tiện giao thông phát triển mạnh mẽ, di chuyển giữa các vùng miền đã trở nên dễ dàng thì việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa của người Mường Hòa Bình trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về đang là điều cấp thiết, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống ban ngành của tỉnh.
Trong chuyến công tác tại tỉnh Hòa Bình mới đây, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Hòa Bình cần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tăng cường phát triển văn hóa đối ngoại; tiếp tục phát huy giá trị hai di sản văn hóa lớn là Mo Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” để nghiên cứu, lập hồ sơ, đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa thế giới. Nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc đóng vai trò then chốt trong công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Đó là nhiệm vụ vừa cấp thiết, vừa có tính chiến lược, lâu dài.