Tôi về xã An Thanh, Tứ Kỳ vào buổi sáng đầu tháng mười âm lịch để hy vọng được “săn rươi” với bà con nông dân. Mùa rươi là mùa đi vào ca dao dân gian, như câu: Bao giờ cho đến tháng mười/Bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy.

Nghe tôi hỏi chuyện, chú Phạm Xuân Sáu, người có bãi rươi ở thôn An Định (Tứ Kỳ), cho biết: “Tầm này thủy triều đang lên, đợi nước đứng thì tối nay khoảng 7 giờ mới đón rươi lên”.

Bên dòng kênh chảy vắt qua làng, xóm, chú Sáu cho biết, năm nay rươi được mùa, khoảng tháng 12 là hết vụ chính. “Rươi hoàn toàn là lộc của nước, không ai có thể nuôi được”, chú kể.

Rươi là món quà của tự nhiên nên việc chăm nó rất cầu kỳ. Môi trường sống của rươi phải cực kỳ sạch, không nhiễm chất độc, thuốc trừ sâu, diệt cỏ… Muốn rươi phát triển tốt, công phu nhất phải kể đến khâu làm đất. Đất phải cày, bừa kỹ, có thể cải tạo thêm bằng phân chuồng ủ mục. Nhiều gia đình còn rắc thêm ngô, đậu tương xay để đất tơi xốp hơn, đón rươi đến trú ngụ.

“Cả một vụ trông nước, chờ rươi, đến lúc vớt lên bờ đổi tiền cũng phải cẩn thận mới được tiền to”, chú Bằng, một người nông dân ở Tứ Kỳ phấn khởi nói.

Rươi theo con nước nổi lên. Ảnh: Lê Tuyến
Rươi theo con nước nổi lên. Ảnh: Lê Tuyến

Vật dụng đựng rươi cũng phải sạch, tuyệt đối không được dính mặn, nếu không rươi sẽ dễ vỡ. Người nông dân vận chuyển rươi phải nhẹ nhàng, cứ tay nọ chuyền tay kia, không như đổ cá.

Các chú các bác hào hứng chia sẻ, vào mùa rươi cũng là lúc cả xã vui nhất. Đi ra đường cứ gặp nhà nào đang chuẩn bị thu hoạch rươi, cần hỗ trợ là ai cũng sẵn sàng giúp.

Phía bãi rươi mọi ngày vắng vẻ, đến mùa này là nhộn nhịp như hội, xe ôtô từ các tỉnh về đậu kín quãng đồng, chẳng bao giờ lo bị “ế” vì rươi cứ vớt đến đâu là bán hết đến đó. Đường lên bãi rươi rất tối, nhớ lời dặn của chú Sáu, “cứ chỗ nào sáng đèn như sao xa thì vào”, tôi chắc bụng đi tiếp.

May mắn, tôi gặp ngay gia đình bác Phạm Văn Động đang thu hoạch ở bãi rươi cùng hai người hàng xóm. Gió trên đê thổi rất mạnh, mọi người vẫn giục nhau nhanh tay để kịp cho thương lái đang chờ cân rươi.

Anh Phạm Hồng Duy, con trai bác Động đã chờ sẵn ở cửa cống, đợi số lượng rươi chui vào túi chừng 8-10kg là vớt ngay lên bờ để rươi được tươi. Ảnh: Lê Tuyến
Anh Phạm Hồng Duy, một người con của xã Tứ Kỳ, cầm “săm rươi” chờ sẵn ở cửa cống vớt thứ lộc trời. Ảnh: Lê Tuyến

Rươi nổi phụ thuộc vào con nước lên, xuống của thủy triều. Có khi thu hoạch rươi vào ban ngày, có khi lại đến tối, đến đêm mới bắt được “lộc nước”. Tối đầu đông, trong làng, ngoài xã yên ắng khi người dân nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt nhoài. Nhưng ngoài bãi rươi này, công việc của bác Động và nhiều hộ dân khác mới đang bắt đầu.

Mỗi khi bác Động xả nước, rươi sẽ theo dòng nước chảy và chui vào túi lưới. Ở cửa cống giăng sẵn “săm rươi” – túi lưới thu hoạch. Anh Duy đợi rươi chui vào túi nặng chừng 8-10kg là vớt ngay lên bờ để rươi được tươi.

Rươi vớt lên sẽ được rửa qua nước cho bớt nhớt, sau đó lại nhúng vào thùng nước lạnh giúp rươi được “khỏe lâu”. Trước khi cân, bác Động dặn mọi người phải đem những túi rươi treo lên cành mít cạnh đó để rươi ráo nước.

Một túi rươi đầy treo trên cành mít cho ráo nước. Ảnh: Lê Tuyến
Một túi rươi đầy treo trên cành mít cho ráo nước. Ảnh: Lê Tuyến

“Những con rươi to, béo, hồng là những con rươi ngon bởi nó có nhiều bột. Khi chế biến, đánh rươi lên có độ dẻo, quánh, vị thơm ngậy đặc trưng”, bác Động chia sẻ.

Để vận chuyển rươi đi xa, người dân sẽ cho vào thùng xốp và đổ thêm chút nước đá lạnh. Giá rươi thu mua tại bãi từ 220.000 – 300.000 đồng/kg tùy vào cỡ rươi. Theo dự tính, ngày bận rộn nhất, người dân có thể bắt chừng 2 tạ rươi.

“Cả một vụ rươi vui nhất là những lúc được thu hoạch, nên dù có phải làm tối hay đêm, chúng tôi cũng thấy đáng công”, bác Động vui mừng bày tỏ.

Cứ vào mùa, làng trên xóm dưới, đâu đâu câu chuyện của người dân xã An Thanh, Tứ Kỳ cũng đều hướng về bãi rươi nằm bên dòng sông Thái Bình êm ả hiền hòa. Bãi rươi của bác Động và nhiều hộ gia đình khác từ lâu đã không dùng để trồng lúa, hoặc cũng trồng rất ít để giữ cho nơi trú ngụ của rươi sạch tự nhiên. Thu nhập chính của người dân nơi đây phần nhiều đều đến từ “lộc nước” – làm một vụ ăn cả năm.

Dáng vẻ của những con rươi sống có thể khiến nhiều người rùng mình, nhưng loài “địa long” này sẽ dễ dàng chinh phục thực khách bởi hương vị thơm ngậy đặc biệt trong từng món ăn. Ảnh: Lê Tuyến
Dáng vẻ của những con rươi sống có thể khiến nhiều người rùng mình, nhưng loài “địa long” này sẽ dễ dàng chinh phục thực khách bởi hương vị thơm ngậy đặc biệt trong từng món ăn. Ảnh: Lê Tuyến

Đến 9 rưỡi tối, gia đình bác Động và thương lái mới kết thúc một buổi thu hoạch. Những thùng rươi đã theo chiếc xe tải chuyển đến nhà hàng ở Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên…

Bác Động chỉ tôi đi đò sang bên kia bờ sẽ về nhà nhanh hơn. Trên chuyến đò giữa mênh mông sông nước, tôi lặng ngắm những ngọn đèn của các hộ làm rươi dân vẫn đung đưa trong đêm tối. Phải chăng đức tính chịu thương chịu khó, biết nâng niu, trân trọng thiên nhiên của người dân nơi đây đã đem lại những vụ rươi bội thu như vậy.

Nguồn: https://dulich.laodong.vn/tin-tuc/theo-chan-nguoi-hai-duong-don-mua-ruoi-tu-ky-1271445.html

SHARE

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here