Thì là thuộc loại rau gia vị phổ biến trong các bữa ăn của gia đình Việt. Tuy nhiên, khi hỏi về lợi ích sức khỏe của loài rau này thì ít ai biết. Bài viết sau sẽ cùng bạn khám phá về điều đó và một số bài thuốc chữa bệnh từ cây thì là.

1. Đặc điểm sinh học và thành phần dinh dưỡng rau thì là

1.1. Đặc điểm sinh học

Rau thì là (Anethum graveolens) rất phổ biến ở khu vực Địa Trung Hải và các nước Châu Á. Đây là loài cây thân thảo, cao trung bình 0.8 – 1m. Thân cây mọc thẳng, phân nhánh ít, nhẵn và có khía. Lá thì là mọc so le, phát triển bẹ to, cuống dài, phiến lá xẻ thành các sợi nhỏ với chiều dài 10 – 20mm, chiều rộng trung bình 0.5mm.

Hoa của rau thì là

Hoa của rau thì là

Hoa thì là mọc thành từng cụm ở đầu cành, ngọn thân, chia thành các tán kép chung cuống, cuống hoa được chia thành nhiều nhánh, mỗi nhánh nhỏ lại chia thành 20 – 40 nhánh nhỏ hơn. Hoa màu vàng, có răng ngắn ở đài, tràng cong gập vào bên trong, xen kẽ cánh hoa là nhị, 2 lá noãn dính vào bầu hoa.

1.2. Thành phần dinh dưỡng

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã có phân tích cho thấy thành phần dinh dưỡng có trong 100g thì là gồm: 43 calo; 85mg vitamin C; 3.5g protein; 2.1g chất xơ; 738mg kali; 208mg canxi cùng các loại tinh dầu, flavonoid, tannin,… và nhiều loại khoáng chất tốt cho cơ thể như magie, natri, sắt,…

2. Công dụng đối với sức khỏe và bài thuốc chữa bệnh từ cây thì là

2.1. Công dụng đối với sức khỏe

2.1.1. Giàu chất chống oxy hóa

Chất chống oxy hóa có tác dụng bảo vệ tế bào trước tác hại từ gốc tự do. Vì thế, khi ăn những thực phẩm chứa hợp chất này sẽ có tác dụng giảm viêm, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị một số bệnh ung thư, viêm khớp dạng thấp, Alzheimer,…

Lá và hạt của cây thì là rất giàu chất chống oxy hóa:

– Flavonoid: có tác dụng giảm nguy cơ bị đột quỵ, mắc bệnh tim. Không những thế, Flavonoid còn tốt cho não bộ và giúp phòng ngừa nguy cơ ung thư.

– Terpenoids: tinh dầu thì là chứa hợp chất này, có thể giúp cơ thể phòng ngừa bệnh não, thận, tim và gan.

– Tannin: có đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn mạnh.

– Vitamin C: khả năng chống oxy hóa tương đối mạnh.

Thì là chứa hợp chất Flavonoid giúp phòng ngừa xơ vữa động mạch

Thì là chứa hợp chất Flavonoid giúp phòng ngừa xơ vữa động mạch

2.1.2. Tốt cho tim mạch

Hợp chất Flavonoid trong thì là chính là chất chống oxy hóa, chống viêm rất tốt cho sức khỏe hệ tim mạch. Đã có những nghiên cứu trên động vật cho biết, chiết xuất từ cây thì là giúp giảm triglyceride và cholesterol.

2.1.3. Giảm lượng đường huyết

Tăng lượng đường huyết có thể khiến cơ thể rơi vào trạng thái kháng insulin, mắc bệnh tiểu đường type 2 và mắc hội chứng chuyển hóa. Sử dụng rau thì là có thể hạ chỉ số tiểu đường.

Đã có nghiên cứu được thực hiện trên động vật mắc bị tiểu đường được bổ sung chiết xuất thì là mỗi ngày. Kết quả nhận được là lượng đường huyết khi đói được cải thiện.

2.1.4. Lợi ích khác

Ngoài những tác dụng chính trên đây thì loại rau gia vị mang tên thì là còn chứa:

– Photpho, magie, canxi tốt cho sức khỏe hệ xương khớp.

– Tinh dầu giúp giảm đau do chuột rút trong ngày hành kinh.

2.2. Bài thuốc chữa bệnh từ cây thì là

2.2.1. Chữa rối loạn kinh nguyệt

Ngâm và rửa sạch rau mùi tây, lá thì là tươi sau đó để cho ráo rồi giã lá thì là vắt lấy 60ml dịch chiết, rau mùi tây giã vắt lấy 15ml dịch chiết. Trộn đều nguyên liệu vừa thu được với nhau và chia thành 3 lần uống vào từng buổi trong ngày.

2.2.2. Chữa rối loạn tiêu hóa

Dùng rau thì là nấu chín để ăn mỗi ngày có tác dụng cải thiện hệ tiêu hóa và phòng ngừa táo bón. Trẻ nhỏ uống 1 – 2 thìa nước nấu từ cây thì là có thể phòng ngừa rối loạn tiêu hóa và cải thiện giấc ngủ.

Đặc biệt, tinh dầu thì là có thể hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy, đầy bụng, ợ chua do bị thừa axit dạ dày.

Thì là vừa là rau gia vị vừa là vị thuốc chữa bệnh

Thì là vừa là rau gia vị vừa là vị thuốc chữa bệnh 

2.2.3. Chữa sưng đau khớp

Nấu một nắm lá thì là với dầu vừng sau đó để nguội, lọc lấy phần dầu thoa lên vùng khớp bị sưng. Làm đều đặn như vậy mỗi ngày 2 – 3 lần có thể giảm sưng đau khớp.

2.2.4. Chữa huyết áp cao và xơ vữa động mạch

Để chữa xơ vữa động mạch và cao huyết áp có một cách rất dễ là giã nhỏ 5g hạt thì là. Bước sau đó bạn mang hạt đã giã đi sắc cùng ít nước để chia làm 2 lần uống/ngày.

2.2.5. Chữa viêm đường hô hấp

Người bị viêm đường hô hấp có thể dùng 60g hạt thì là hãm cùng nước sôi sau đó lọc bỏ bã, lấy nước trộn cùng mật ong để uống 3 lần/ngày. Cách làm này có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh.

2.2.6. Chữa sưng đau do mụn nhọt

Lá thì là tươi đem rửa sạch, giã nhuyễn rồi đem đắp trực tiếp lên các nốt mụn nhọt đã bị vỡ. Để làm lành vết thương nhanh hơn có thể trộn thêm vào phần thì là đã được giã nhuyễn một chút bột nghệ rồi đắp.

3. Những lưu ý khi dùng cây thì là

Mặc dù thì là là thảo dược tự nhiên có thể dùng để chữa nhiều bệnh lý nhưng không phải ai cũng dùng được những bài thuốc này. Đặc biệt, phụ nữ có thai nên hạn chế ăn thì là để tránh gây kích thích co bóp tử cung.

Rau thì là dùng làm gia vị giúp cho món ăn tăng hương vị, tạo cảm giác ngon miệng và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, thì là có thể gây tương tác làm giảm hiệu quả của một số loại thuốc như: viên uống chứa estrogen, Tamoxifen, thuốc chống co giật,… Vì thế, những ai đang dùng các loại thuốc này tốt nhất nên tránh ăn thì là.

Nếu bạn đang có ý định sử dụng bài thuốc từ cây thì là để điều trị bệnh lý nào đó, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc đông y. Điều này sẽ giúp bạn biết mình có phù hợp để sử dụng thì là không và dùng như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất.

SHARE

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here