Nói đến rượu cần, là nói đến đặc sản của đồng bào DTTS Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Dễ dàng nhận thấy trên thị trường hiện nay, những ghè rượu cần làm từ hạt bo bo, nếp than, gạo xà cơn hay bột mì. Tuy nhiên, để nói về loại rượu được nấu với nguyên liệu tự nhiên nhất của người Ba Na, thì đó là rượu cần được nấu từ hạt gào, loại cây hiện nay còn rất ít.
- 21-01-2022Thơm nồng rượu cần của người Gia Rai
- 24-11-2021Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng trở thành di sản quốc gia
Bông gào được phơi khô để tách hạt
Hơn 20 năm nấu rượu cần , vợ chồng anh chị A Xoang – Y Thùy đang có một cửa hàng bán rượu cần có tiếng trên tuyến đường Bắc Kạn (TP. Kon Tum), với tên gọi Rượu cần Y Xuân được nhiều người biết đến. Chị Y Thùy cho biết, mỗi nguyên liệu có mùi vị đặc trưng riêng. Như rượu cần làm bằng nếp than, gạo xà cơn thường có vị dịu ngọt hơn, còn riêng đối với rượu cần làm bằng hạt gào có mùi rất thơm và rượu gào sẽ có vị hơi đắng hơn, uống 1 ngụm rượu gào có cảm giác đậm đà, nồng nàng hơn.
Chị Y Thùy cho biết : “khách đến cửa hàng đa số đều hỏi về loại rượu tự nhiên, có truyền thống lâu đời nhất của người Ba Na. Tôi luôn chọn rượu hạt gào tự nhiên nhất để trả lời cho khách, tư vấn cho khách chọn mua và được rất nhiều người đánh giá cao về chất lượng và liên hệ để tiếp tục mua loại rượu này”.
Đáp ứng thị hiếu của khách hàng nên bao lâu nay, chị Y vẫn luôn duy trì việc dùng hạt gào để nấu rượu cần. Dù cho hiện nay, hạt gào đã không còn phổ biến và không được người dân trồng nhiều như trước.
So với cây lúa, thì cây hạt gào có thân cứng rắn hơn, mọc thẳng đứng, mỗi thân cây chỉ ra 1 hoa, hoa sinh ra những hạt gào nhỏ có màu đen như hạt vừng. Hiện nay, người dân trên địa bàn thành phố, hầu như không còn ai trồng cây gào để làm kinh tế, vì cùng trồng trên một đơn vị diện tích, thì sản lượng của hạt gào so với lúa hay các loại hoa màu khác thấp hơn nhiều.
Cùng với đó, cây gào là một cây dòng họ cỏ nên khi trồng sẽ không sử dụng thuốc hóa học như thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác, nên năng suất cũng sẽ thấp hơn; ngoài ra phải luân canh đất trồng thường xuyên để cây gào không bị bệnh và cho sản lượng cao hơn. Vì không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên bù lại hạt gào là một nguồn nguyên liệu tự nhiên sạch, an toàn để nấu rượu.
Chuẩn bị nguyên liệu để nấu rượu
Để phục vụ cho việc nấu loại rượu bằng hạt gào, chị Y Thùy phải tự trồng cây gào để có đủ nguồn nguyên liệu. Chị cho biết, cây hạt gào thường được gieo trồng vào khoảng tháng 3 đến tháng 4, khi thời tiết bắt đầu vào mùa mưa và phải mất khoảng 6 tháng canh tác, chăm sóc mới cho thu hoạch.
Năm nay, vợ chồng anh chị đã trồng hạt gào khoảng 6 sào, vì cây gào chỉ thích hợp với đất gò, đồi nên ngoài một sào đất tại xã Đăk Rơ Wa, anh chị đã chị phải lên tận Kon Rẫy để canh tác. Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên chị Y Thùy cũng rất vui vẻ khi ruộng gào của chị thu được nhiều hơn, cây gào phát triển tốt hơn trước và hạt chắt hơn.
Chị Y Thùy cho biết: Mặc dù đã trồng khoảng 6 sào nhưng vẫn không đủ để nấu rượu. Hàng năm, vào dịp cuối năm nhu cầu của người dân tiêu thụ rượu cần tăng lên. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu nấu rượu, chị thường phải qua tỉnh Gia Lai để mua thêm hạt gào về ủ rượu.
Cánh đồng gào của đồng bào Ba Na
Khâu thu hoạch gào cũng rất công phu, tỉ mì, người dân phải cắt từng bông, bông gào sau khi được cắt về sẽ được ủ 1 đến 2 ngày, trước khi phơi khô để tách hạt ra khỏi bông gào được dễ dàng hơn. Việc tách hạt gào hoàn toàn thủ công, không sử dụng được máy móc; phải sử dụng cối để giã những bông hoa gào và sàng xảy lấy ra hạt gào. Sau đó, hạt gào được nấu thành cơm trước khi ủ với men tự nhiên để thành rượu. Đối với rượu gào thì ủ khoảng hơn 1 tháng thì sẽ uống được, và để được rất lâu, rượu thơm, ngon và là đặc sản được nhiều người ưa chuộng.
Với nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là khách du lịch hiện nay, các sản phẩm từ nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng hóa chất rất được ưa chuộng. Do đó, chế biến đặc sản rượu cần từ nguyên liệu tự nhiên hạt gào, sẽ góp phần giữ gìn hương vị đặc sắc, gần gũi, thân thuộc từ bao đời của rượu cần người dân tộc Ba Na trên địa bàn thành phố Kon Tum.
https://baodantoc.vn/giu-nguyen-lieu-tu-nhien-de-che-bien-dac-san-ruou-can-1669558844286.htm