(Dân trí) – Từ xa xưa, cơm lam, gà nướng (gà sa lửa) được xem như một đặc sản tự hào của người dân vùng đất đỏ bazan – Tây Nguyên.
Xưa nay, cơm lam, gà nướng luôn là món ăn ngon có tiếng ở đất Tây Nguyên. Mỗi sáng, khi lớp mây còn ở dưới chân núi đã thấy bà con bản địa gùi gạo trên lưng để đi làm. Vào rừng, bà con dùng cây tre, nứa làm nồi để nấu cơm, nấu thịt. Món cơm lam cũng bắt nguồn từ đó.
Những ống cơm lam vừa thổi, vừa ăn với hoa chuối, cá, suối, rau đắng, đặc biệt là gà nướng, thịt nướng đã xua tan đi cái mệt sau những chặng đường leo rừng.
Món cơm lam, gà nướng ở phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) luôn có mùi vị riêng, đậm chất của núi rừng và đời sống nơi đây.
Đặc biệt khó quên là hương vị món gà nướng của người đồng bào ở đây (có nơi gọi là gà sa lửa). Món gà nướng được chế biến đơn giản từ gà thả vườn, ướp kĩ cho ngấm gia vị. Sau đó, gà được nướng chín bằng hơi lửa, hương thơm của món ăn cứ lan tỏa mời gọi khiến du khách khó có thể bỏ qua.
Theo kinh nghiệm của đồng bào, gà nướng chỉ nên chọn những con gà tơ trên dưới 1 kg. Sốt tẩm ướp để nướng gà được chế biến từ hành tím, sả, tỏi giả nhuyễn trộn với ngũ vị hương, mật ong, tiêu, nước mắm, muối và các loại lá rừng… Gà ướp khoảng 30 phút đến một tiếng thì cho vào giữa cây tre non chẻ đôi, kẹp chặt lại để nướng.
Gà nướng không thể thiếu chén muối lá é, một loại lá có mùi thơm gần như húng quế. Chén muối chấm không quá cầu kỳ nhưng có lạ vị, chấm với gà nướng thì ngon khó cưỡng lại.
Anh A Ngưi (ở làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, Kbang, Gia Lai) là người bản địa Bahnar. Anh lớn lên từ những bữa cơm lam trong rừng sâu, con cá dưới suối. Chính vì vậy, anh luôn muốn đưa những bản sắc của dân tộc mình ra cho bạn bè khắp các nước biết đến.
A Ngưi nói: “Món cơm lam Tây Nguyên thể hiện sâu sắc tính cộng đồng, gắn kết chặt chẽ với nhiều chi tiết liên quan đến đời sống của người dân. Nó tiện cho bà con trong mỗi chuyến đi nương rẫy dài ngà “.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều nhà hàng, homestay được mở và đưa món cơm lam, gà nướng thành món chính phục vụ du khách. Từ cách chế biến đơn sơ của bà con, các nhà hàng đã nâng cấp, ướp thêm các gia vị như mật ong, lá rừng để tăng thêm màu sắc, hương vị hấp dẫn cho món ăn.
Nguồn: Báo dân trí