Xã Lũng Hòa nằm ở phía Tây huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc, là vùng đất từ thời Hùng Vương dựng nước. Đây là một trong những nơi được phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ thuộc văn hoá Phùng Nguyên. Đến Lũng Hoà người dân và khách thập phương không chỉ được chiêm ngưỡng di tích lịch sử đền Ngòi, còn có dịp thưởng thức đặc sản làm xiêu lòng người bởi hương vị riêng biệt đó là bánh Ngoã.

Về Lũng Hoà cảm nhận đầu tiên của bạn sẽ là hệ thống sông, đầm, ao, hồ mênh mông nối tiếp, xen kẽ với màu xanh mướt của những cánh đồng dẫn vào hai làng Hoà Loan và Lũng Ngoại ven sông Phan. Trước đây đoạn sông này chảy nối với sông Hồng, nhưng đến nay do quá trình địa chất thay đổi nên dòng sông không rộng lớn như xưa, chỉ còn là một dòng chảy nhỏ, quanh co giữa vùng đồng bằng phì nhiêu.
Tên Lũng Ngoại (còn gọi là Lũng Ngòi) được đặt theo con ngòi bắt nguồn từ chân núi Tam Đảo chảy qua Tam Dương rồi uốn khúc bao quanh địa giới của làng. Cư dân Lũng Hoà bao đời nay sinh sống trên vùng đất cổ với nhiều trầm tích văn hóa được trao truyền từ đời này sang đời khác và đến nay vẫn còn giữ được những nét truyền thống văn hoá riêng biệt.
Trong một năm, làng Lũng Ngoại có nhiều lễ tiệc lớn. Vào dịp lễ hội, nơi đây lại diễn ra các hoạt động văn hóa tưng bừng với các đám rước kiệu, tế lễ uy nghiêm và các trò chơi dân gian vui nhộn, biểu hiện sức sống mãnh liệt của văn hóa làng đặc sắc, phong phú. Ấn tượng rõ nhất khi về mảnh đất này là hệ thống đình chùa, mộ địa và ẩm thực mang nét riêng. Trong đó là Đền Ngòi – một trong những ngôi đền cổ, là công trình kiến trúc nghệ thuật truyền thống đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1994, có giá trị cao về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc.
Đền Ngòi, thuộc thôn Trung, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), nằm trong cụm di tích Lũng Hòa gồm đình Đông, đình Nam, đình Hòa Loan thờ nữ tướng Lê Thị Ngọc Trinh (có sách ghi là Lê Ngọc Chinh) thời Hai Bà Trưng những năm 40 sau Công nguyên.
Sách sử ghi lại rằng, xưa kia nữ tướng Lê Thị Ngọc Trinh đã cùng Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa đánh thắng giặc Đông Hán. Với nhiều chiến công hiển hách, bà được Vua ban chức Đại tướng và phong tặng tám chữ Vàng “Quần thoa hào kiệt, dũng lược tuyệt trần”. Sau khi Nữ tướng trở về đầm sen gửi thân cho đất mẹ, nhân dân trong làng đã tỏ lòng thành kính ghi ân, lập Đền thờ cúng ngay bên dòng sông quê hương và xây ba ngôi đình thờ vọng ở ba thôn trong làng. Hàng năm, đúng ngày 10-9 âm lịch (ngày sinh của bà) nhân dân trong xã và bà con xa quê hương đang làm ăn và sinh sống tại các vùng miền trong cả nước hội tụ về di tích Đền Ngòi và 3 ngôi đình trong xã để dâng hương thành kính, tri ân, tưởng nhớ công ơn của Thánh mẫu Lê Thị Ngọc Trinh.
Đền Ngòi được xây dựng cách đây hàng trăm năm (không nhớ rõ năm xây dựng). Ngôi đền rộng 12.300 m2, bao quanh đền là khuôn viên với những cây cổ thụ có niên đại hàng trăm năm. Đền Ngòi được xây dựng trên một gò đất cao nhiều cây cối tỏa bóng mát quanh năm, phía trước là dòng sông Phan uốn khúc như dải lụa. Đền Ngòi vốn có kiến trúc đặc trưng với tòa kiến trúc được chia thành 3 gian: gian thứ nhất có chức năng tiền bái (hay tiền tế, là nơi thực hiện các nghi lễ cúng thần), 2 gian phía trong làm hậu cung có gác lửng tạo thành thượng cung là nơi đặt long ngai, bài vị và tượng nữ tướng Lê Thị Ngọc Trinh. Đền Ngòi ngoài trụ biểu cánh phong, mái vòm phía trước và hệ thống tường bao được xây dựng ở thời gian sau này (đầu thế kỷ XX) vẫn giữ được kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII). Đền được dựng trên hệ thống cột trụ to, vững chắc với 4 hàng chân tạo thành trục chính rộng và hai bên là hành lang (lúc đầu Đền vốn không có tường bao xung quanh). Kết cấu bộ vì mái vẫn theo lối đặc trưng của thời Hậu Lê là “chồng rường – giá chiêng” nhưng bên trong do cần tạo không gian kín đáo, thâm nghiêm cho thượng cung nên người thợ dân gian đã biến thành vì ván mê với một bức cốn hình tam giác cân được trang trí chạm khắc đề tài long cuốn thủy. Liên kết giữa cột cái và cột quân (ở đây cột quân đồng thời là cột hiên) là các thân kẻ có chạm vân mây, sóng nước cách điệu như thân rồng uốn khúc rất sinh động.

  
Đền Ngòi, thôn Trung, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc  – Nguồn ảnh: Internet

Trải qua biến cố, thăng trầm của thời gian, Đền đã xuống cấp nghiêm trọng. Thể theo nguyện vọng của nhân địa phương muốn có một ngôi Đền khang trang, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân, UBND huyện Vĩnh Tường đã tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử đền Ngòi. Quá trình tu bổ, tôn tạo được tiến hành một cách bài bản, đảm bảo kiến trúc mỹ thuật, đúng ngôi đình cổ xưa, đồng thời, phục dựng, xây mới toàn bộ Nhà Tiền tế, Tả hữu cùng không gian, khuôn viên rộng lớn – tổng diện tích hơn 4 ha.
Lễ hội Đền Ngòi hàng năm được tổ chức 2 lần là những ngày đầu xuân năm mới từ ngày 4 đến ngày 7 tháng Giêng và ngày 9-10 tháng 9 âm lịch. Trong phần hội người dân tổ chức rước kiệu từ chùa Quan Âm (chùa Lũng Hòa, cách đền Ngòi khoảng hơn 200 m) ra đền Ngòi. Ngoài phần rước kiệu, hội còn tổ chức trò đánh đáo bằng hòn đá ném vào chân cột trong ô đất 4m2 gọi là “Hú đáo”. Đó là một nghi thức “sự thần”, liên quan đến bà Lê Thị Ngọc Trinh. Tương truyền khi chống lại một viên tướng thời Đông Hán, bà dùng sợi dây, đầu dây buộc một hòn đá làm vũ khí. Trong lúc giao tranh, hòn đá văng về làng Lũng Ngoại, từ đó về sau, lệ đánh đáo trở thành một tín ngưỡng, một tục lệ của làng. Ngày nay ngoài những nghi lễ truyền thống, lễ hội còn tổ chức thi đấu các hình thức văn hóa văn nghệ thể thao như dân vũ, bóng chuyền hơi, văn nghệ…

 
Bên trong Đền Ngòi, Ban thờ Nữ tướng Lê Thị Ngọc Trinh – Nguồn ảnh internet

Đến Lũng Hoà người dân và khách thập phương còn có dịp thưởng thức đặc sản làm xiêu lòng người bởi hương vị riêng biệt đó là bánh Ngoã. Nghe cái tên bánh, không ít người thấy lạ. Tuy nhiên, chính điều đó, lại làm nên sức hút và ấn tượng để nó trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng đất này.

Bánh Ngõa – món quà quê mang đậm nét văn hóa của Lũng Hòa – Nguồn ảnh: Internet

Tên của bánh có lẽ là do khâu chuẩn bị bột kĩ lưỡng công phu như thợ ngoã làm nhà nên gọi là bánh Ngoã. Thời xưa, loại bánh này được coi là cao lương mỹ vị. Loại bánh không được ăn thường ngày, nó chỉ được làm vào đúng dịp mừng thọ các cụ cao niên, các dịp lễ tết. Một mâm bánh Ngõa ước tính trọng lượng lên đến một yến. Bánh sẽ được xếp thành hình nón cụt và cực kỳ ngay ngắn trên mâm đồng. Nó sẽ được rước ra đình để làm lễ trước khi ăn. Tuy nhiên, không phải tự nhiên mà bánh trở thành cao lương mỹ vị. Có lẽ, chính là nhờ vào mùi thơm nhẹ, vị ngọt thanh tao khiến người thưởng thức không thể nào quên dù chỉ một lần.
Bánh Ngõa làm từ những nguyên liệu hết sức bình dị, gồm: bột nếp, mật mía và đậu xanh. Đối với người dân Lũng Ngoại, công thức làm bánh Ngõa có từ bao đời và đến nay vẫn không thay đổi, chỉ là do bàn tay và kinh nghiệm làm của mỗi người là khác nhau. Theo bà Thu, một trong những người làm bánh Ngõa lâu năm và nổi tiếng ở làng Lũng Ngoại thì bí quyết làm bánh ngon là ở khâu lựa chọn nguyên liệu. Phải chọn gạo nếp thơm hạt tròn đều, loại bỏ hết sạn, đãi sạch để ráo nước rồi xay thành bột mịn. Đỗ xanh chọn loại ngon, xay vỡ đôi rồi đem ngâm nước để cho lớp vỏ đậu bong ra đãi sạch để ráo nước. Lấy một nửa nấu cùng mật mía thành chè kho để làm nhân, còn một nửa đem sao cho đến khi vàng thơm thì đem xay thành bột mịn để làm áo. Tiếp đến là công thức chế biến kết hợp với kinh nghiệm làm để cho những chiếc bánh ngon.

Có rất nhiều loại bánh được làm nên từ 3 thứ nguyên liệu chính này, nhưng qua bàn tay và gu ẩm thực riêng của người Lũng Ngoại, họ đã tạo nên một loại bánh riêng của mình, đặc trưng về hương vị, mùi thơm. Bánh Ngõa có công đoạn chế biến cầu kỳ và công phu nhất. Bột gạo được nhào với nước thật nhuyễn mềm rồi chia thành những phần nhỏ, lấy chày gỗ hoặc chai thủy tinh dàn bột thành hình tròn thật mỏng. Lấy chè kho làm nhân cho vào vỏ bánh vê kín lại để nhân không bị vỡ. Đun nước sôi thì cho bánh vào. Quy trình làm có nét giống với bánh trôi nước. Khi bánh nổi thì vớt ra để ráo nước, thấy bánh se lại thì rắc bột đậu xanh rang chín vào để tạo lớp áo bên ngoài. Trở đều hai mặt bánh sao cho bánh ngấm đều bột áo, càng nhiều bột áo càng tốt.

Bánh Ngõa mang đến cho người thưởng thức sự khác biệt so với các loại bánh khác. Đó là vị dẻo dai của gạo nếp, vị ngọt thanh của mật mía, kết hợp với vị ngon bùi bùi của đậu xanh rang khô bao bên ngoài giúp cho bánh được cân bằng vừa mềm dẻo lại thanh nhã, càng ăn lại càng thấy được vị ngọt bùi, thơm mát.

Huyện Vĩnh Tường đang tổ chức nhiều hoạt động trong dịp kỉ niệm 200 năm danh xưng Vĩnh Tường, thu hút được hàng nghìn lượt khách tham quan từ nhiều địa phương trong cả nước. Đến với Vĩnh Tường trong những dịp lễ hội đầu xuân thì đi lễ Đền Ngòi và thưởng thức bánh Ngõa sẽ đem lại những trải nghiệm vô cùng thú vị cho du khách.

Tác giả: Nguyễn Thị Đông – Cổng thông tin Sở GDDT tỉnh Vĩnh Phúc
SHARE

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here