Món ăn ẩm thực các dân tộc tỉnh Cao Bằng

0
160

Thành phố Cao Bằng không chỉ nổi tiếng với những khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp tự nhiên, con người giàu lòng hiếu khách mà bên cạnh đó còn để lại ấn tượng với du khách về ẩm thực cùng những món ngon độc đáo và lạ mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương.

Xôi trám

Đến Cao Bằng vào dịp mùa thu, khi bạn có dịp vào các bản làng của người Tày bạn sẽ có dịp được thưởng thức món xôi trám đặc biệt thơm ngon của người dân bản địa. Món xôi ngon hay không một phần lớn quyết định ở việc chọn nguyên liệu. Có hai loại trám: trắng và đen. Trám trắng thường dùng làm những thứ kẹo, mứt, đậu sị, ô mai và còn dùng để chữa ho và còn có tác dụng giải rượu. Nhưng chỉ có những người đầu bếp tinh tế và có cách chế biến riêng sẽ chọn quả trám đen để nấu xôi. Xôi trám làm đơn giản nhưng ăn rất tốt cho sức khỏe, thơm, bùi và béo ngậy. Quả trám sau khi hái về ngâm nước ấm, bóc lấy phần thị t rồi trộn với gạo nếp cùng một số gia vị rồi nấu. Mùi vị của xôi trám rất thơm và bùi, mùi lạ đặc biệt. Bạn sẽ không uổng phí công sức khi đến Cao Bằng và thưởng thức món ăn này.

Phở chua

Phở chua Cao Bằng là món ngon đặc biệt của miền sơn cước Cao Bằng. Khi ăn phở chua phải ăn lúc nguội, phở chua được yêu thích khi ăn vào vào mùa thu và mùa hè để đúng vị. Không giống như các món phở thông thường ăn được ở tất cả các bữa, các mùa. Khi ăn phở chua Cao Bằng, bạn sẽ thấy đặc biệt bởi món sợi mỳ dẻo, kết hợp với độ béo của thịt ba chỉ, vịt quay và còn có vị ngậy của mỡ vịt, vị chua cay của măng ớt… Đến Cao Bằng tham quan và tìm hiểu văn hóa, con người nơi nhớ ghé qua các quán ăn của người dân địa phương để thưởng thức món ngon độc đáo này bạn nhé.

Bánh trứng kiến

Vào dịp tháng 4-5, người dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng lại cùng nhau vào rừng tìm trứng kiến đen mang về làm bánh. Bánh trứng kiến đen được làm từ bột nếp và lá non cây vả. Trứng kiến đen rất béo, có hàm lượng protein cao, vị bùi, mùi thơm đặc biệt. Khi thưởng thức món bánh trứng kiến ở đất Cao Bằng ngon có các vị béo ngậy, vị của hành, vị của lá vả vừa lạ vừa ngon ăn mãi không chán.

Khẩu Sli Cao Bằng

Đây là món bỏng gạo nếp ăn rất độc đáo của người dân Cao Bằng. Thứ bánh này được chế biến rất đặc biệt từ nhiều nguyên liệu khá nhau, thường được người dân bản địa làm để tiếp khách, phục vụ trong dịp lễ, Tết hay nhà có việc trọng đại. Đây không chỉ là một món ăn vặt ngon bởi nguyên liệu mà còn độc đáo và tinh tế từ cách chế biến.

Bánh áp chao

Áp chao là món bánh quen thuộc của các tỉnh miền núi phía Bắc, tuy nhiên, bánh áp chao nhân thịt vịt của Cao Bằng lại có hương vị riêng. Miếng bánh giòn thơm, vị đậm đà, béo bùi của thịt vịt hòa với vị nếp ngon lành cực kỳ thích hợp để nhâm nhi trong tiết trời đông se lạnh. Không khó để tìm thấy những quán bán bánh áp chao ở các con phố, ngõ nhỏ của Thành phố. Từ nguyên liệu đơn giản như bột nếp, khoai tầu, thịt vịt sống lọc thái nhỏ tẩm ướp làm nhân… tạo nên chiếc bánh vàng ươm, thơm nức mũi. Bánh áp chao ăn với nước chấm dấm đường pha chua ngọt, mấy sợi đu đủ xanh non thái chỉ và ít rau húng thơm lừng. Vừa chum môi thổi phù, vừa cắn miếng bánh nóng hổi, dù ngoài trời rét mướt, trong bụng vẫn ấm áp lạ kỳ.

Bánh trôi

Bánh trôi là một món ẩm thực quen thuộc với mọi người, nhưng ở Cao Bằng người ta gọi là coóng phù (còn có tên khác là phù noòng) theo tiếng Tày. Cách thức làm bánh và nguyên liệu khác với cách làm bánh trôi thông thường. Trong tiết trời se lạnh, thưởng thức một bát bánh trôi nóng cảm nhận mùi thơm của bột nếp, vị  ngọt của nước đường nấu, vị nóng cay của gừng giúp làm tan đi cái lạnh của tiết trời lạnh mướt. Có thể trộn gạo với gấc, lá cẩm… để tạo ra nhiều màu sắc, hương vị khác khau; các viên bánh nặn tròn xoe, đều tăm tắp cho bát bánh trôi thêm hấp dẫn. Bát bánh trôi nóng hổi chan với nước đường thơm mùi gừng, có thể rắc thêm ít lạc rang giã nhỏ, nước cốt dừa cho thơm, như thế mới cảm nhận được sự độc đáo, vị ngon của bánh.

Những món đặc sản quê hương Cao Bằng làm quà cho du khách

Miến dong

Đặc sản miến dong.

Từ lâu, Cao Bằng nổi tiếng với sản phẩm miến dong làm từ bột dong riềng nguyên chất, thơm ngon. Sợi miến to, không bóng như các loại miến thông thường nhưng lại mê hoặc thực khách bởi mùi thơm ngọt của miến dong nguyên chất.

Miến dong Phja Đén được làm 100% từ củ dong riềng trồng trên các sườn núi theo phương thức truyền thống, phơi phên nứa, nói không với chất tẩy, chất tạo màu, bột nở hay các hóa chất khác. Khi nấu sợi miến mềm, trong, thơm, dai, vị ngọt mát, dù nấu lại sợi miến vẫn dai, không bị dính, nát như các loại miến khác. Trong mâm cỗ truyền thống của người Cao Bằng, miến được nấu với thịt gà, nấm hương, mộc nhĩ rất đậm đà, thơm ngon.

Khẩu sli

Khẩu sli là bánh đặc sản truyền thống đã có từ lâu và được nhiều người biết đến trên địa bàn xã Phù Ngọc (Hà Quảng). Bánh được làm từ các nguyên liệu sẵn có của địa phương gồm gạo nếp, lạc, đường mật và sản xuất theo phương pháp thủ công gia truyền với nhiều công đoạn cầu kỳ, như: đồ xôi, phơi, giã, sấy, sàng, rang…, bánh có mùi vị rất đặc trưng, thơm ngon, bổ dưỡng.

Từ bao đời nay, khẩu sli là món ăn truyền thống trong dịp lễ, Tết của người Tày, Nùng. Khẩu sli có vị thơm của nếp cái, bùi ngậy của lạc và vị ngọt của đường phên. Khẩu sli là đặc sản được du khách gần xa lựa chọn làm quà khi đến với vùng quê cách mạng Cao Bằng.
Bánh khảo

Bánh khảo được làm nhiều nhất vào dịp Tết và được xem như một thứ quà Tết của dân tộc Tày, Nùng. Song, ngày nay, để đáp ứng nhu cầu của du khách cũng như quảng bá sản phẩm đặc sản của địa phương, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ sở sản xuất bánh khảo mang thương hiệu. Để làm ra những phong bánh khảo thơm ngon, người làm phải cẩn thận, cầu kỳ trong khâu chọn gạo nếp, vừng, lạc, mỡ lợn… Nhờ đó, bánh khảo có vị thơm của gạo nếp, bùi bùi của vừng lạc, vị ngọt của đường kính và béo ngậy của mỡ. Tất cả hòa quyện với nhau khiến bánh khảo có một hương vị đặc biệt không lẫn vào đâu được.

Thạch đen

Thạch đen là món ăn thân quen, bình dị, hương vị thanh mát, bổ dưỡng, được sử dụng nhiều trong dịp hè nóng nắng. Chiết xuất từ cây thạch đen (còn gọi là cây xương sáo hay lương phấn thảo) trồng nhiều ở huyện Thạch An, lá thạch đen có vị ngọt, mát, có tác dụng giải nhiệt, hạ huyết áp, trị cảm mạo, đau khớp.

Thạch mềm, giòn, màu đen bóng, có vị thơm nhẹ. Có 2 loại thạch đen có đường và không đường. Thạch có thể ăn riêng hoặc ăn cùng với chè, tào phớ, sữa đậu… và bảo quản trong tủ lạnh từ 5 – 6 ngày.

Hiện nay, một số sản phẩm từ cây thạch đen đang được nghiên cứu sản xuất thành hàng hóa, trong đó có thạch đen đóng hộp sẵn rất tiện lợi cho người sử dụng. Song, những khối thạch đen óng bán theo cân trong các khu chợ truyền thống vẫn là hình ảnh quen thuộc và mang dấu ấn văn hóa ẩm thực độc đáo của Cao Bằng.

Nguồn: Minh Ánh – Trang thông tin điện tử UBND Tp Cao Bằng

SHARE

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here