Món ăn Rêu đá – Đặc sản tự nhiên trời cho của bà con Hà Giang

0
73
Nếu đã hơn một lần đặt chân đến vùng đất Hà Giang, đến thăm những bản làng vùng sâu, vùng xa, hẳn bạn sẽ được giới thiệu về một món ăn mang hương vị riêng của đồng bào nơi đây, đó là món ăn Rêu đá – Một món ăn được coi là đặc sản thiên nhiên ban tặng mà không cần phải bỏ tiền đi mua nguyên liệu về chế biến.

Một ngày cuối tuần, theo lời mời của anh bạn đồng nghiệp, chúng tôi rong ruổi chạy xe theo con đường tỉnh lộ về xã Xuân Giang, huyện Quang Bình – nơi có nhiều đồng bào dân tộc Tày sinh sống. Men theo những con suối trong vắt chảy qua đường quốc lộ, chúng tôi thấy thấp thoáng vài bóng dáng của những người đàn ông, đàn bà đang lom khom mò, vớt, đập đập thứ gì đó vào phiến đá. Hỏi ra mới biết họ đang lấy rêu về để chế biến món ăn.

Anh-tin-bai

Chế biến món Rêu đá sau khi đã được rửa sạch.

Theo lời giới thiệu của anh bạn đồng nghiệp cũng là dân bản địa của xã Xuân Giang cho biết: Tuổi thơ của anh đã gắn liền với món Rêu đá; từ bé đã theo bố mẹ đi lấy rêu, lớn thêm một chút thì tự đi lấy rêu về chế biến theo sở thích. Đến nay, tuy đã đi công tác ra khỏi địa bàn lên Thành phố Hà Giang lập nghiệp được nhiều năm, nhưng thỉnh thoảng vợ chồng anh vẫn đưa các con đi trải nghiệm, tìm những con suối đầu nguồn của các xã giáp ranh Thành phố để tìm lấy Rêu đá. Theo anh, để có được món rêu ngon nên chọn những bãi rêu lớn, vì ở đó rêu vừa nhiều, lại vừa xanh non. Anh cũng cho biết thêm, đối với những gia đình làm thêm kinh doanh Homestay như nhà anh, món Rêu đá không chỉ được coi là món ăn tự nhiên dân dã, mà còn trở thành món ăn đặc sản hấp dẫn du khách gần xa; mỗi khi có khách du lịch đến đặt cơm, gia đình thường làm món Rêu đá để du khách thưởng thức.

Anh-tin-bai

Rêu đá được trộn gia vị để chuẩn bị làm món hấp.

Rêu đá có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau. Rêu mọc tự nhiên trên các mỏm đá, bám vào các gờ đá nơi lòng suối, chúng có quanh năm nhưng theo người dân vào mùa Xuân là mùa rêu ngon nhất. Việc hái rêu và sơ chế rêu mất khá nhiều thời gian và đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mỉ. Đầu tiên, rêu được bắt thành những dây dài, màu sắc rêu tùy thuộc vào suối sâu hoặc nông. Sau đó rêu được rửa qua bằng nước suối cho đến khi hết cát và chất bẩn. Tiếp đến sẽ cho rêu lên tảng đá hoặc bề mặt phẳng rồi dùng khúc gỗ to đập rêu làm nhiều lần. Sau khi sơ chế xong thì có thể chế biến các món ăn, như: Rêu hấp, canh rêu, rêu xào, nộm rêu, rêu nướng tùy theo sở thích của mỗi người.

Anh-tin-bai

Đặc sản món Rêu đá sau khi được chế biến.

Theo kinh nghiệm dân gian, các món ăn chế biến từ rêu bọc trong lá chuối không chỉ được yêu thích vì hương vị mà còn có khả năng chữa nhiều bệnh. Ngoài ra, món Rêu nướng tuy là một món ăn đơn giản những lại vô cùng gắn bó với con người vùng Tây Bắc, đặc biệt là người dân tộc Tày. Theo phong tục người Tày, vào các dịp giỗ, Tết, cúng bái lễ lộc, người Tày Hà Giang đều làm món rêu đá. Những dịp lễ cầu mùa, cầu lộc họ cũng cầu khấn cho “Thần rêu” được sinh sôi nảy nở để người dân địa phương không phải chịu cảnh đói kém, mất mùa. Khi có dịp đến Hà Giang, bạn nhớ thưởng thức món Rêu đá này nhé!

Nguồn: Nguyễn Đoan – UBND tỉnh Hà Giang

SHARE

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here