Đến với Đắk Lắk, du khách không thể bỏ qua những món ngon đậm chất núi rừng Tây Nguyên.
Bún đỏ Buôn Mê Thuột
Bún đỏ là món ăn đặc sản chỉ có ở Buôn Ma Thuột, nhưng nó cũng chỉ là một món ăn vỉa hè hết sức bình dị. Lang thang khắp thành phố thì thấy hầu như chỗ nào có bán thức ăn nhanh, bún, miến, cháo, phở là y như rằng có bún đỏ. Nhưng các quán bún đỏ ngon và nổi tiếng chủ yếu tập trung ở góc phố Phan Đình Giót giao với Lê Duẩn.
Bún đỏ là tên được gọi theo màu của sợi bún. Bản thân sợi bún ở đây trông đã khác lạ so với sợi bún ở nơi khác, bởi nó to cỡ chiếc đũa, ăn dai dai giòn giòn. Để tạo màu đỏ cho bún, người ta nhúng bún vào một nồi nước dùng, mà theo “bật mí” của bác chủ hàng bún đỏ được làm từ hạt điều – loại “phẩm nhuộm” thực phẩm tự nhiên hết sức an toàn cho sức khỏe.
Để tạo nên hương vị đặc sắc cho bún đỏ, tạo nên danh tiếng cho bún đỏ thì phải ở cách chế biến và nước dùng của bún.
Nước dùng của bún được ninh từ xương với nước cua, tạo nên một vị ngọt thanh mát, đậm đà. Điểm nhấn quan trọng trong nồi nước dùng là gạch cua với thịt ba chỉ xay, hành củ băm nhỏ trộn với hạt tiêu được nặn thành từng bánh nhỏ nấu chung với nước dùng. Thêm vào đó là trứng cút đã bóc vỏ.
Miếng gạch cua thịt băm, trứng cút cứ được nấu trong nồi, đến khi làm bún cho khách thì vớt ra cho vào bát cùng nước dùng. Càng nấu, miếng gạch cua, thịt heo càng nhừ, càng đậm vị và nước dùng càng ngọt, thơm hơn.
Ngoài gạch cua thịt băm, trứng cút, bát bún đỏ còn được “nêm” thêm rau cải ngọt, giá đỗ trần. Sau khi chan nước dùng lên thì rắc thêm ít hành củ băm nhỏ phi thơm cùng với tóp mỡ.
Gỏi lá
Gỏi lá được chọn từ hơn 40 loại lá khác nhau như như lá lộc vừng, sâm đất, hồng ngọc, mơ, cải cay, ổi, đinh lăng, sung, lá lốt, trâm, mã đề, diếp cá, chó đẻ răng cưa, quế, húng, thuyền đất… Lấy các loại lá này cuốn thành hình phễu để gắp vào đó các loại thức ăn. Các món ăn kèm với lá gồm thịt heo ba chỉ, tôm rang, da heo thái mỏng trộn cùng bột gạo nếp rang.
Với sự hiện diện của hơn 40 loại lá rừng khác nhau, người ta gọi món ăn này là gỏi lá song nếu xét về cách thưởng thức thì món ăn này thuộc họ cuốn chấm sẽ chính xác hơn.
Nước chấm được làm từ bỗng rượu, được khử qua dầu ăn, lẫn cùng trứng vịt thành loại nước chấm sền sệt. Tiêu để nguyên cả hạt, muối hạt, ớt cay xanh, hành là những gia vị không thể thiếu. Kẹp đủ các loại lá, bỏ vào đó thịt, tôm, da heo, gia vị rồi ăn cùng một lúc, nhai càng kỹ càng dễ nhận ra nhiều hương vị vừa có vị chan chát, vừa ngòn ngọt, chua chua và vừa bùi béo ngậy của thịt, tôm.
Sau mỗi lần ăn, làm thêm một ngụm rượu được ngâm lâu ngày từ rễ cây đinh lăng. Cuối cùng là một nồi cháo cá lóc, nóng hổi để ăn lót bụng là tuyệt nhất. Theo nhiều người dân phố núi, ăn gỏi lá nhiều rất tốt, bởi hầu hết đều là những lá cây thuốc nam có tác dụng chữa bệnh. Người mắc các chứng bệnh về tim mạch, đường tiêu hóa… ăn vào có thể chữa bệnh.
Chả cá thát lát
Chả cá thát lát hồ Lăk là một đặc sản của huyện Lăk, Đắc Lắc. Đây là một loại chả cá được làm từ cá thát lát hay còn gọi là cá thác lác, phác lác sống tự nhiên ở hồ Lăk và là đặc sản nổi tiếng của vùng này. Chả cá thát lát ở hồ Lăk nổi tiếng do cách làm đặc biệt, các nơi đều dùng máy xay cả xương cá, còn ở đây phải dùng muỗng nạo từng chút một, chỉ lấy thịt cá, sau đó giã tay chứ không dùng máy. Nơi khác thường dùng cá nuôi, còn ở đây dùng nguồn cá hồ tự nhiên. Sau đó, chả cá được đem chiên, hấp hoặc cho vào lẩu.
Gà nướng Bản Đôn/Gà nướng sa lửa
Để có những con gà nướng ngon, hợp lòng du khách, người dân Bản Đôn phải rất công phu nuôi chọn gà và có cách làm món riêng. Trước hết, giống gà phải là gà thả vườn chính hiệu. Đất ở Bản Đôn rộng, vườn thưa, gà nuôi ở đây được thả rông tự do, thức ăn chính của chúng là cỏ non, côn trùng và lúa rẫy.
Gà được chọn nướng là loại mới lớn, độ chừng hơn một kg mỗi con. Sau khi làm xong, gà để nguyên con, có thể dần cho con gà bẹp lại rồi ướp muối ớt, nước sả và thêm ít mật ong rừng. Để ăn gà nướng ở Bản Đôn “đúng bài”, du khách phải chấm thịt gà với muối ớt hoặc muối sả.
Gà nướng sa lửa là một trong những biến tấu của món gà nướng Bản Đôn. Nguyên liệu chính là những con gà ta chính hiệu cùng cách chế biến nướng trên lửa than. Khách cũng chấm gà với muối ớt hoặc muối sả. Tuy nhiên, gà nướng sa lửa dùng kẹp tre thay vỉ nướng. Bên cạnh đó, gà không được tẩm ướp trước khi nướng. Cách nướng này khiến thịt gà thơm hơn, chắc hơn và vẫn giữ nguyên vị ngọt của thịt.
Cá bống thác kho riềng
Món cá bống thác kho riềng là một món ăn có tính truyền thống của những đồng bào dân tộc tại Đắk Lắk. Cá bống Tây Nguyên sống ngay trong dòng thác đổ. Loại cá này chỉ thích nghi với môi trường nước đổ từ cao xuống, mình bé và trắng, thân tròn săn chắc như ngón tay.
Cá còn tươi nhảy lao xao được xả cho sạch nhớt trên mình, và bỏ vào ít muối ướp cho cứng lại, sau đó lấy riềng rửa sạch giã nhỏ. Người ta bắc chảo cho nóng, và cho vào đó ít dầu ăn, hay mỡ đun cho sôi lên, cho cá vào chiên vàng, đổ riềng đã chuẩn bị sẵn. Mùi riềng, mùi cá bốc lên thơm ngào ngạt, đợi riềng và cá quyện vào nhau, lúc này họ mới cho mắm muối và các gia vị: hành, tiêu, ớt, đường và bột ngọt tạo độ vừa ăn. Du lịch Đắk Lắk mà quên thưởng thức món cá bống thác kho riềng quả là một thiếu sót lớn đối với du khách.
Lẩu rau rừng
Gọi là lẩu song lẩu rau rừng giống món canh hơn, với 10 loại lá rừng được chọn lọc nấu cùng tôm khô hoặc thịt các loại. Món “lẩu” rau rừng này được chế biến đầu tiên bởi những người dân tộc Ê đê khi phải đối diện với cuộc sống khó khăn. Để có thức ăn hàng ngày, họ đã vào rừng để hái những loại lá khác nhau về nấu canh. Trải qua thời gian, “lẩu” lá rừng đã trở thành món đặc sản của người dân tộc bản địa và rất có sức hút với du khách.
Thịt nai
Thịt nai là món đặc sản chủ yếu của vùng rừng núi Tây Nguyên, đặc biệt là ở Đắk Lắk. Thịt nai tươi khác thịt bò ở chỗ ít gân, mỡ màu trắng ngà, mềm hơn cả thịt bê non.
Thịt nai có thể chế biến thành nhiều món: nai nướng, nai xào lăn, nai nhúng giấm, nai lúc lắc, sườn nai rán, cháo bao tử và sau cùng là nai khô hợp lại đủ 7 món như thịt bò. Nhưng nai nướng, nai nhúng giấm và nai khô lại là những món tiêu biểu nhất.
Lẩu cá lăng
Dòng Sêrêpôk hoang dã, bí ẩn và mãnh liệt đã được thiên nhiên ban tặng cho một loại cá quý đó là cá lăng rắn chắc, thịt thơm và là món ngon nổi tiếng. Cá Lăng có thể chế biến thành nhiều món, tuy nhiên ấn tượng nhất vẫn là món lẩu cá lăng với hương vị độc đáo mang đậm chất Tây Nguyên. Đây là món ăn ngon miệng và có tác dụng giải nhiệt rất tốt trong những ngày nắng.
Bơ sáp Đắk Lắk
Bơ Đắc Lắc dẻo quánh, ăn vào thấy béo thơm đặc trưng không loại bơ nào khác có được nên nhiều khách hàng ưa chuộng. Món phổ biến nhất mà mọi người, mọi nhà thường làm là sinh tố bơ. Chút sữa, chút đường, chút đá vừa làm dậy vị vừa tăng sự hấp dẫn cho món ăn.
Ngoài ra, nếu có vài trái bơ sáp Đắc Lắc, bạn hãy thử dằm bơ đường rồi ăn chung với bánh tráng (bánh đa) xem nhé, đảm bảo sẽ bất ngờ. Bánh đa giòn giòn, bùi bùi thoang thoảng mùi mè (vừng) hòa lẫn với độ ngọt béo lại man mát vừa phải rất khác lạ. Hoặc nếu không, hãy cắt bơ thành từng miếng vừa ăn dọn chung với cơm. Nghe thì hơi “quái” nhưng ăn 1, 2 lần lại thành nghiền. Cứ một miếng cơm dẻo với 1 miếng bơ chấm mắm nguyên chất dễ vét thủng đáy nồi lúc nào không hay.
Măng le
Cây le thuộc họ tre nứa khá điển hình trên vùng đất Tây Nguyên. Cây le có sức phát tán mạnh mẽ, sức sống dẻo dai đến kỳ lạ. Măng le từ phần ngọn của cây măng dùng tươi hoặc cắt lát phơi khô , măng le thuộc loại ngon nhất trong các loài măng như măng tre, măng trúc… nhờ tính đặc ruột, vị ngọt, bùi, không đắng chát,…
Với món măng le tươi có thể chế biến món đơn giản nhưng lại đầy hương vị là món gỏi măng trộn hay măng le nấu cùng thịt vịt, măng le hầm giò heo, măng le xào gan đều rất ngon. Vào các buôn được mời bữa cơm gạo nương ăn với măng le nấu với thịt nai khô có kèm muối đâm lá bép ớt hiếm ăn một lần không bao giờ quên.
Cà đắng
Cà đắng là một loại cà dại mọc nhiều trên rừng, trên nương rẫy, hiện nay đã được người dân khu vực Tây Nguyên trồng trong vườn nhà, ra quả quanh năm, trái cà dài, to hơn cà pháo của người Kinh, có gai, màu xanh sọc đốm trắng, đặc biệt có vị đắng rất đặc trưng.
Cà đắng được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau trong bữa cơm của người dân tộc Ê Đê như nấu với cá tươi, cá khô, tép khô, thịt rừng,… Ngoài nấu chín, người Ê Đê còn ăn cà đắng sống, bằng cách giã nát cà rồi cho thêm gia vị: muối, ớt, bột ngọt, lá é, lá và củ nén.
Tùng Anh (th)/Báo Gia đình & Xã hội