Xôi ngũ sắc là một món ăn truyền thống của người dân ở vùng Tây Bắc. Sở dĩ có tên gọi là xôi ngũ sắc là bởi xôi có 5 màu chủ đạo gồm: trắng, tím, xanh, vàng và đỏ. Theo quan niệm của người dân Tây Bắc, hình ảnh xôi ngũ sắc mang nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng tất cả đều tượng trưng cho những điều may mắn, tốt lành.
Những món ăn “chất lừ” nghe tên là biết ở Tây BắcNgây ngất với đặc sản Hà Giang mùa tam giác mạch

Để thưởng thức món ăn đặc sản này, du khách có thể tìm mua tại các khu chợ phiên của đồng bào dân tộc vùng cao. Một trong những chợ phiên bán nhiều loại xôi này phải kể đến chợ phiên Bắc Hà (tỉnh Lào Cai). Đến chợ phiên, du khách dễ dàng tìm được món xôi ngũ sắc dẻo thơm được gói trong những lớp lá chuối hơ qua lửa hoặc lá dong xanh mướt tại khu ẩm thực của chợ. Xôi ngũ sắc không cần đồ ăn kèm, chỉ cần ăn với một chút muối vừng là đủ làm du khách xao lòng.

Về Tây Bắc thưởng thức đặc sản xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc được bán tại chợ phiên Bắc Hà (tỉnh Lào Cai).

Có thể nói, xôi ngũ sắc là một món ăn truyền thống của vùng Tây Bắc mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Chính vì vậy, đây là món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ, tết quan trọng. Đặc biệt, trong đám cưới, đám giỗ cũng không thể thiếu món xôi này.

Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc gồm có gạo nếp thơm dẻo được trồng ở Bắc Hà, các hạt gạo phải nguyên chất, không được trộn lẫn với gạo tẻ. Gạo nếp sau khi vo xong tiến hành ngâm nước từ 6 – 8 giờ. Tiếp đó, gạo nếp đã ngâm sẽ được chia thành 5 phần đều nhau để nhuộm màu.

Thông thường, người dân ở đây sẽ dùng quả gấc hoặc lá cơm đỏ để tạo màu đỏ gạch cho gạo nếp. Màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước còn màu tím sẽ dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau sau…

Về Tây Bắc thưởng thức đặc sản xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc được người dân giữ nóng bằng cách cho vào chõ gỗ và bọc bằng nhiều lớp vải dày.

Công đoạn đồ xôi được coi là khâu quan trọng hơn cả khi tạo ra món xôi ngũ sắc. Khâu này đòi hỏi người đồ xôi phải thật khéo léo mới có được món xôi như ý. Nói về cách đồ xôi sao cho vừa dẻo vừa đẹp mắt, cô Vàng Thị Hợi (xã An Hối, huyện Bắc Hà) chia sẻ: “Để xôi ngũ sắc có màu đẹp mắt thì phải cho gạo có màu dễ phai xuống cuối chõ đồ, kế đến là các màu còn lại, màu trắng trên cùng. Lượng nước cho vừa phải, cùng với đó là khi thấy chõ xôi bốc hết hơi phải bỏ ra khỏi bếp để tránh việc xôi bị nát”.

Đối với người dân ở vùng cao, xôi ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành: Trắng là màu của kim, xanh là màu của mộc, đen là màu của thủy, đỏ là màu của hỏa, màu vàng là màu của thổ. Người ta quan niệm rằng sự tồn tại của 5 chất này làm nên sự tươi tốt của Thiên – Địa – Nhân.

Ngoài việc thể hiện “ngũ hành”, xôi ngũ sắc còn thể hiện khát vọng yêu thương. Món xôi này thể hiện cho tình yêu son sắt, thủy chung và lòng yêu mẹ, kính cha. Xôi màu đỏ sẽ tượng trưng cho khát vọng sống và những ước mơ về tương lai tươi sáng. Xôi màu tím tượng trưng cho màu của đất đai trù phú. Xôi màu vàng thì tượng trưng cho sự no ấm và phồn thịnh. Xôi màu xanh sẽ tượng trưng cho màu của núi rừng Tây Bắc. Xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng, thủy chung. Ngoài ra đó còn là tình thương đối với cha mẹ, lòng kính trọng đấng sinh thành.

Tùy vào từng địa phương mà cách bày trí xôi ngũ sắc cũng có sự khác biệt. Có nơi sẽ bày xôi theo hình bông hoa 5 cánh, mỗi cánh tượng trưng cho một màu. Có nơi khác lại dùng khuôn gỗ đóng xôi thành nhiều tầng, mỗi tầng là một màu xôi hay có nơi sẽ trộn lẫn các màu xôi với nhau. Thế nhưng dù bày trí theo cách nào thì xôi ngũ sắc cũng mang ý nghĩa biểu trưng cho điều may mắn, tốt lành.

Nếu có dịp ghé thăm vùng cao Tây Bắc, du khách hãy dừng chân để thưởng thức món xôi ngũ sắc để cảm nhận vị dẻo thơm của hạt nếp nương và tấm lòng mến khách của đồng bào vùng cao nơi đây.

Lương Hằng
SHARE

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here